Trang 2 / 2 Đầu tiênĐầu tiên 12
Bài 11 đến 13/13

Chủ đề: Nỗi đau của người cha bất lực nhìn con chết vì điện giật!

  1. #11
    Super Moderator PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    6.058
    Thanks
    3.717
    Thanked 3.039 Times in 1.244 Posts

    Default Ðề: Nỗi đau của người cha bất lực nhìn con chết vì điện giật!

    Đủ căn cứ để khởi tố vụ án 'điện giật chết người'

    Theo các luật sư, đứng về góc độ lương tâm, những người có trách nhiệm, liên quan đến việc làm rò điện gây ra cái chết thương tâm cho em Cồ Quốc Huy là không thể trốn tránh. Mặt khác, pháp luật cũng đủ cơ sở để buộc tội những người này.

    * Luật sư Ngô Quí Linh ( Đoàn luật sư TP HCM): “Có đủ căn cứ để khởi tố vụ án”

    Những thông tin ban đầu về tai nạn của em Cồ Quốc Duy cho thấy đã có dấu hiệu tội phạm, cần phải được khởi tố để điều tra làm rõ. Cái chết của em Duy là do bị điện bị rò từ cột đèn chiếu sang - một công trình công cộng đã được giao cho các cơ quan có trách nhiệm quản lý (Công ty công trình Chiếu sáng công cộng TP HCM). Rõ ràng, việc rò điện không phải do thiên tai, mưa gió, sét đánh làm hư hỏng công trình điện một cách bất ngờ mà có cả một quá trình.

    Ở đây có lỗi của cá nhân đã được phân công kiểm tra, quản lý trụ đèn đó, lãnh đạo công ty đã thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra giám sát nhân viên, công trình, dẫn đến việc không phát hiện kịp thời việc trụ đèn đã bị rò điện. Việc thiếu trách nhiệm trong kiểm tra, quản lý chất lượng, an toàn các công trình điện là một hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được luật hình sự quy định. Hành vi đó đã xâm phạm đến tính mạng của công dân được pháp luật bảo vệ.

    Do đã có dấu hiệu tội phạm nêu trên, căn cứ vào đơn đề nghị, tố cáo của gia đình nạn nhân, cơ quan điều tra, VKSND quận 5 cần xem xét để khởi tố vụ án. Quá trình điều tra sẽ xác định trách nhiệm cụ thể, mức độ lỗi của những cá nhân đã được phân công nhiệm vụ tại công ty Công trình Chiếu sáng công cộng TP HCM. Từ đó, có thể khởi tố bị can về tội danh "thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng" hay "vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp".

    *Luật sư Nguyễn Văn Hậu (Đoàn luật sư TP HCM): “Cần làm nghiêm để không xảy ra những vụ án tương tự”.

    Không riêng trường hợp này, đáng lẽ ra các cơ quan chức năng nên xử lý triệt để những vụ việc tắc trách gây ra những cái chết đau lòng trước đó như vụ em bé tử vong vì ngã vào hố ga, cô gái chết thảm vì bị điện giật khi dây điện trên đường bất ngờ đứt… Có như thế, tính nghiêm minh của pháp luật mới được đảm bảo.

    Những tai nạn trên thường bị các đơn vị chủ quản “liệt” vào trường hợp “bất khả kháng”. Họ cho rằng nguyên nhân gây ra là do khách quan, con người không thể lường trước hay khắc phục được, mặc dù đã áp dụng các biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Không những thế, khi có việc gì xảy ra là các cơ quan có liên quan lại sử dụng sự phối hợp “đổ thừa”, đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Để cuối cùng, người phải gánh chịu những đau thương, mất mát lại là người dân vô tội.

    Trong vụ việc của cháu Duy, có đủ cơ sở để khởi tố vụ án vì nguyên nhân gây ra cái chết cho cháu đã rõ, hậu quả nghiêm trọng cũng đã xảy ra, nhưng cơ sở như thế nào lại do cơ quan điều tra xác minh, làm rõ. Từ đó, buộc những người có hành vi vi phạm chịu trách nhiệm trước pháp luật.

    *Luật sư Bùi Quang Nghiêm (Phó Chủ nhiệm Đoàn luật sư TP HCM): “Cẩn thận trước khi khởi tố”


    Tôi cũng cho rằng, đã đủ cơ sở để khởi tố vụ án “điện giật gây chết người” này. Tuy nhiên, cũng cần phải cân nhắc một số vấn đề. Tại thời điểm này, cơ quan điều tra chưa thế xác minh, làm rõ mức độ trách nhiệm cụ thể thuộc cá nhân, đơn vị nào, mức độ ra sao để ra quyết định chính xác.

    Cụ thể, Công ty Chiếu sáng công cộng TP HCM đã giao việc lắp đặt, duy trì, sửa chữa cho nhân viên nào? Kỹ thuật lắp đặt có tuân thủ theo nguyên tắc nghề nghiệp hay không? Việc giám sát của công ty ở mức độ nào để gây ra hậu quả chết người?... Do vậy, vẫn cần thời gian để củng cố chứng cứ, xác định mức độ vi phạm của những người có liên quan để xác định tội danh.

    (Nguồn VNEXPRESS)

  2. #12
    Super Moderator PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    6.058
    Thanks
    3.717
    Thanked 3.039 Times in 1.244 Posts

    Default Ðề: Nỗi đau của người cha bất lực nhìn con chết vì điện giật!

    Vụ HS chết oan vì cột đèn phóng điện và kẽ hở trong pháp luật hình sự

    Một em học sinh chết do đi gần cột đèn bị hở mạch, phóng điện. Việc chết người trước mắt mà ai cũng thấy rõ là do lỗi của con người, nhưng cuối cùng không có ai chịu trách nhiệm hoặc không thể truy cứu trách nhiệm hình sự được ai là điều vô lý và không thể chấp nhận được - xét về mặt lý luận pháp lý.


    Sẽ lại không có ai bị xử lý?

    Cái chết của em Duy thật ra không phải là chuyện cá biệt. Cuối năm 2008 ở Hà Nội cũng xảy ra một vụ tương tự làm chết một sinh viên. Cách đây không lâu, một cô gái trẻ cũng bị điện giật chết lúc trời mưa ở quận Tân Phú (TP.HCM).

    Với hậu quả là chết người, có thể thấy các sự việc như trên đều có dấu hiệu của một vụ án hình sự. Vì tính mạng con người là đối tượng được pháp luật hình sự bảo vệ. Tuy nhiên, để xác định ai, cá nhân nào phải chịu trách nhiệm trước những cái chết đau lòng như vậy có thể nói là… “bó tay”! Vì hầu hết và chung quy lại, rồi sẽ không có ai đứng ra chịu trách nhiệm cả.

    Ông này sẽ chỉ ra lỗi của ông kia, rồi ông kia chỉ qua ông nọ… mà nói nôm na lại là lỗi chung của nhiều người, của cả một đơn vị nên không thể có chuyện một cá nhân nào phải chịu trách nhiệm. Rồi cuối cùng là do lỗi của… ông trời ! Do ông trời đã làm mưa, là một dạng thiên tai, bất khả kháng, nên… (!?)

    Thật ra trong Bộ luật hình sự từ lâu đã có nhiều điều luật, quy định về các tội phạm liên quan đến lĩnh vực an toàn, trật tự công cộng như : tội cản trở giao thông đường bộ, tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tội đưa vào sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ không bảo đảm an toàn… nhưng không có tội danh nào đề cập đến chuyện nếu tài sản của một ai đó (chẳng hạn như trong sự việc này là cái cột điện của công ty điện lực) vì hư hỏng, phóng điện làm chết người thì sẽ có “ai đó” phải bị xử lý và truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Điều này là hết sức vô lý khi so sánh với việc một người chỉ cần có hành vi “đua xe trái phép”, “cản trở giao thông đường sắt”… - dù không làm chết ai vẫn có thể bị xử lý hình sự.

    Hiện nay, có thể thấy tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM… khi mà trên trời thì dây diện chằng chéo như những mạng nhện, rất thiếu an toàn, phía dưới thì “lô cốt” mọc khắp nơi, chỉ một cơn mưa nhỏ đã có thể gây ngập trầm trọng, trong khi lượng người tham gia giao thông rất đông, thì có thể thấy chúng ta đang bị vô số cái bẫy nguy hiểm rình rập và tính mạng của mọi người hầu như có thể bị đe dọa bất cứ lúc nào.

    Liên quan đến những cái chết vô lý như vậy, khi mà chỉ trong hai tháng 6 và 7-2008, đã có tới 8 trẻ em bị chết do lọt vào các "bẫy" công trường tại TP.HCM đã làm dấy lên dư luận phẫn nộ đối với việc thi công coi thường mạng sống người dân của đơn vị thi công đào đường. Trên báo điện tử VNExpress ngày 17-7-2009, trong bài viết “Thi công "lô cốt'' gây chết người, nhà thầu sẽ bị khởi tố”, đã dẫn lại ý kiến của ông Lê Hoàng Quân, chủ tịch UBND TP.HCM, rằng từ nay "UBND các quận, huyện sẽ phải chịu trách nhiệm nếu trên địa bàn xảy ra việc thi công cẩu thả gây chết người, còn nhà thầu phải bị khởi tố hình sự".

    Tuy nhiên, xét về mặt pháp luật thì đó là thẩm quyền và trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng (công an, viện kiểm sát, tòa án) - và phải theo đúng trình tự, quy định tại luật pháp hình sự. Và thực tế là đến nay chưa từng có nhà thầu nào bị khởi tố vì lý do trên.

    Theo tôi, việc chết người trước mắt ai cũng biết là do lỗi của con người, mà lại không có ai chịu trách nhiệm hoặc không thể truy cứu trách nhiệm của ai là điều hết sức vô lý và không thể chấp nhận được.

    Tôi cho rằng đây là một kẽ hở hay chính xác hơn là sự khiếm khuyết của pháp luật hình sự hiện nay. Chúng ta cần phải sớm bổ sung những điều luật, theo đó phải áp sát với thực tế từ những vụ việc như trên, đưa ra những căn cứ cụ thể, rõ ràng để có thể truy cứu cho được trách nhiệm hình sự đối với những cá nhân do cẩu thả, tắc trách gián tiếp hoặc trực tiếp gây ra những cái chết oan ức như của em Duy.

    Chẳng hạn như trường hợp này, phải xem xét và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với nhân viên kiểm tra an toàn thiết bị điện hoặc thủ trưởng đơn vị có trách nhiệm… Có như vậy chúng ta mới có thể ngăn chặn và giảm thiểu những cái chết không đáng có như trường hợp em Cồ Quốc Duy.

    Luật sư TRẦN HỒNG PHONG
    Công ty luật hợp danh ECOLAW


    Điều này xuất phát từ quy định tại điều 627 của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do nhà cửa, công trình xây dựng khác gây ra: “Chủ sở hữu, người được chủ sở hữu giao quản lý, sử dụng nhà cửa, công trình xây dựng khác phải bồi thường thiệt hại nếu để nhà cửa, công trình xây dựng khác đó bị sụp đổ, hư hỏng, sụt lở gây thiệt hại cho người khác, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng".

    Và điều 626 của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại do cây cối gây ra: “Chủ sở hữu phải bồi thường thiệt hại do cây cối đổ, gãy gây ra, trừ trường hợp thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi của người bị thiệt hại hoặc do sự kiện bất khả kháng". Vậy chúng ta cần phải hiểu nguyên nhân bất khả kháng thì mới xác định được trách nhiệm bồi thường.

    Theo khoản 1 điều 161 Bộ luật dân sự thì sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết và khả năng cho phép. Với quy định này thì chúng ta có thể hiểu sự kiện bất khả kháng là những hiện tượng thiên nhiên mà con người không thể lường trước và khắc phục được như: mưa, bão, lũ lụt, sấm sét, hạn hán...

    Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng căn cứ vào sự kiện bất khả kháng để rũ bỏ trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà phải xác định nguyên nhân chính gây ra tai nạn, thiệt hại đó. Nếu nguyên nhân chính là do các sự kiện bất khả kháng gây ra sự hư hỏng các thiết bị làm dẫn đến các tai nạn gây thiệt hại về sức khỏe, tính mạng thì người bị thiệt hại phải tự chịu lấy trách nhiệm.

    Chẳng hạn sét đánh vào trụ điện gây nên 1 vụ nổ và những người xung quanh đó bị thiệt hại thì phải tự chịu trách nhiệm. Nhưng nếu trước đó, các đơn vị có trách nhiệm quản lý đã không thực hiện đúng trách nhiệm, các thiết bị trước đó đã bị hư hỏng nhẹ, có hiện tượng rò rỉ hay các công trình chưa được áp dụng các biện pháp bảo vệ đúng mức, cây cối không được cắt tỉa chăm sóc đúng thời hạn… và các sự kiện bất khả kháng chỉ là yếu tố tác động vào gây bộc lộ những hư hỏng, khuyết điểm trước đó của thiết bị làm thiệt hại sức khỏe, tính mạng của người khác thì đơn vị có trách nhiệm quản lý thiết bị đó phải bồi thường thiệt hại cho người bị thiệt hại.

    Chẳng hạn trụ đèn không được quản lý, chăm sóc đúng cách, dây nối không đúng kỹ thuật… đến khi có mưa lớn làm ngập nước vào dây nối làm rò rỉ điện ra ngoài đường và người đi đường bước vào vùng ngập nước đó bị điện giật gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe… thì đơn vị chủ quản hệ thống đèn chiếu sáng sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường cho nạn nhân chứ không thể đổ lỗi cho sự kiện bất khả kháng được vì trước đó đơn vị quản lý đã không thực hiện đúng và hết trách nhiệm của mình.

    Để thực hiện quyền khởi kiện của mình, người bị thiệt hại và gia đình người bị thiệt hại cần phải nắm thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại được quy định tại điều 607 Bộ luật dân sự: “Thời hiệu khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại là hai năm, kể từ ngày quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác bị xâm phạm".

    Ngoài ra, nếu xác định được trách nhiệm của cá nhân cụ thể trong các vụ tai nạn gây chết người nêu trên thì cá nhân đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 99 Bộ luật hình sự năm 1999 về tội vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính:

    “1. Người nào vô ý làm chết người do vi phạm quy tắc nghề nghiệp hoặc quy tắc hành chính thì bị phạt tù từ một năm đến sáu năm.

    2. Phạm tội làm chết nhiều người thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.

    3. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm".

    Mặt khác, trách nhiệm của những cán bộ công chức khi thi hành công vụ và những người có liên quan để xảy ra những việc đáng tiếc nói trên cũng cần phải đề cập đến và hiện các cán bộ công chức đã làm hết trách nhiệm của mình hay chưa, nếu như chưa làm hết trách nhiệm thì xử lý kỷ luật đối với các cán bộ công chức này như thế nào hay chỉ đơn giản trả lời là do sự kiện bất khả kháng là xong?

    Luật sư NGUYỄN VĂN HẬU
    Trưởng Ban tuyên truyền Hội Luật gia TP.HCM


    (Nguồn Tuổi Trẻ)

  3. #13
    Super Moderator PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    6.058
    Thanks
    3.717
    Thanked 3.039 Times in 1.244 Posts

    Default Ðề: Nỗi đau của người cha bất lực nhìn con chết vì điện giật!

    Lãnh đạo xí nghiệp chiếu sáng mất chức vì vụ bé trai bị điện giật chết

    Kể từ hôm nay Giám đốc và Phó giám đốc Xí nghiệp chiếu sáng 2 bị Công ty chiếu sáng công cộng TP HCM đình chỉ công tác để xem xét trách nhiệm trong việc duy tu bảo dưỡng trụ đèn, để điện giật chết em Cồ Quốc Duy.

    Hai ông Vũ Đình Dũng - Giám đốc và Trương Anh Kiệt - Phó giám đốc Xí nghiệp chiếu sáng 2, đơn vị trực tiếp quản lý trụ đèn bị rò điện giật chết em Duy tuần trước, đã bị đình chỉ công việc và thay thế bởi người khác.

    Trao đổi với VnExpress.net, Giám đốc Công ty chiếu sáng công cộng TP HCM Trần Trọng Huệ cho biết, quyết định này nhằm xem xét lại trách nhiệm của 2 lãnh đạo xí nghiệp trong công tác bảo dưỡng, duy tu trụ đèn chiếu sáng. "Trụ đèn ở góc Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo, quận 5, nơi xảy ra rò điện dẫn đến cái chết của em Duy nằm trong vùng quản lý của Xí nghiệp chiếu sáng 2. Để tai nạn xảy ra, lãnh đạo có một phần trách nhiệm", ông Huệ nói.


    Các nhân viên kỹ thuật đang kiểm tra lại trụ đèn tại giao lộ Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo, nơi xảy ra tai nạn thương tâm làm chết em Duy.

    Ông Huệ cho hay, trong lúc nguyên nhân sự việc liên quan đến cái chết em Duy hôm 31/8 vẫn còn tiếp tục làm rõ thì việc đình chỉ công tác là cần thiết, vì "lãnh đạo Xí nghiệp chiếu sáng 2 sẽ có trạng thái tư tưởng không ổn định nên sẽ không chuyên tâm điều hành tốt công việc".

    Sau khi đình chỉ, Hội đồng kỷ luật Công ty chiếu sáng công cộng tiếp tục xem xét nguyên nhân và trách nhiệm trong vụ tai nạn, để có thể đưa kết luận cuối cùng. Về trách nhiệm trực tiếp của các nhân viên kỹ thuật tại trụ đèn Nguyễn Biểu - Trần Hưng Đạo, ông Huệ khẳng định sẽ giao cho Ban giám đốc mới của Xí nghiệp chiếu sáng 2 rà soát hồ sơ để điều tra tiếp.

    "Biết bên phía gia đình em Duy đề nghị khởi tố, lãnh đạo Công ty chiếu sáng cũng xem xét lại mình. Quả là chúng tôi có một phần trách nhiệm nhưng sự việc cũng có nhiều yếu tố khách quan như ngập nước, rào chắn... Gia đình em Duy nên lượng thứ vì nguyên nhân tai nạn có nhiều yếu tố khách quan", ông Huệ phân trần.

    Mưa ngập thường xuyên cộng với việc bảo đảm an toàn lưới điện còn nhiều nơi không an toàn gây nên những tai nạn đáng tiếc khiến người dân bất bình. Trước hiện trạng đó, UBND TP HCM cũng vừa có văn bản chỉ đạo khẩn.

    Theo đó, các đơn vị quản lý và vận hành lưới điện trên thành phố (Công ty Điện lực, Công ty truyền tải lưới điện 4, Công ty Điện lực 2...) phải tăng cường công tác kiểm tra, sửa chữa, bảo trì lưới điện như các thiết bị chống sét, hệ thống nối đất...

    Công ty chiếu sáng công cộng TP HCM có trách nhiệm thường xuyên kiểm tra, bảo trì, rà soát các điểm có nguy cơ rò điện cao trên đường dây dẫn điện của hệ thống chiếu sáng, nhằm đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn kỹ thuật, an toàn điện, đặc biệt trong mùa mưa bão.

    UBND TP HCM giao Sở Công thương phối hợp với các bên kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất công tác an toàn điện đối với các đơn vị quản lý, vận hành hệ thống điện, chiếu sáng công cộng, chiếu sáng dân lập trên địa bàn thành phố.

    Trong khi đó đại diện Mặt trận Tổ quốc thành phố cho rằng, cần kịp thời xác định trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân liên quan đến vụ tai nạn. "Trước sự việc ảnh hưởng đến dân sinh, tôi nghĩ các cơ quan chức năng không nên đổ lỗi qua lại mà phải đưa ra hình thức xử lý thích đáng người có trách nhiệm. Việc đình chỉ chức vụ đối với 2 lãnh đạo xí nghiệp chiếu sáng là bước đi cần thiết", ông Huỳnh Đăng Linh, Phó chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP HCM nói.

    Theo ông Linh, các cơ quan có liên quan nên đưa ra ngay các biện pháp đảm bảo an toàn trụ điện và báo cáo với UBND thành phố. "Phải tổng hợp xem hiện toàn thành có bao nhiêu trụ, ổ điện có khả năng gây nguy hiểm và đề ra biện pháp xử lý ngay, chứ không thể để tình trạng trụ đèn phóng điện tự do như hiện nay làm chết người đi đường", ông Linh nhấn mạnh.

    Ngày 31/8, khi đang đi trên đường qua trụ đèn giao lộ Trần Hưng Đạo - Nguyễn Biểu, em Duy (13 tuổi) đã bị điện từ trụ đèn giật chết trước sự chứng kiến bất lực của người thân, bạn bè và người đi đường. Công ty chiếu sáng công cộng TP HCM - đơn vị quản lý trụ đèn - cho rằng, quy trình kiểm tra an toàn trụ đèn đúng chuẩn, các mối nối đều an toàn; tuy nhiên có thể do mối nối dây điện bị ngâm nước lâu nên rò điện khiến em Duy bị giật chết.

Trang 2 / 2 Đầu tiênĐầu tiên 12

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •