Bài 1 đến 2/2

Chủ đề: Tản mạn về câu đối

  1. #1
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket NHAT NGUYET's Avatar
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    1.320
    Thanks
    890
    Thanked 1.050 Times in 231 Posts

    Default Tản mạn về câu đối

    Vài điều về câu đối

    Đối là một thể văn biến ngẫu gồm có hai câu gọi là hai vế song song và cân đối, thường ngắn gọn có khi chỉ năm bảy chữ, có khi dài hơn, nhưng ý nghĩa lại sâu rộng. Phát xuất từ Trung Quốc không rõ từ thời kỳ nào. Qua Việt Nam từ đầu thế kỷ XIII, phát triển mạnh trong các cuộc giao tiếp giữa vua quan Việt Nam & vua quan Trung Quốc và sau đó phổ biến dần vào đời sống xã hội.

    Những nguyên tắc của câu đối

    Khi viết câu đối, nếu chọn được câu chữ tuân theo nguyên tắc sau thì đôi câu đối được gọi là chỉnh đối hay đối cân.

    Đối ý và đối chữ

    * Đối ý: hai ý đối phải cân nhau mà đặt thành 2 câu sóng nhau.
    * Đối chữ: phải xét 2 phương diện thanh và loại.

    - Về thanh: thanh bằng đối với thanh trắc và ngược lại.
    - Về loại: thực tự (hay chữ nặng như: trời, đất, cây...) phải đối với thực tự; hư tự (chữ nhẹ như: thì, mà, vậy, ru...) phải đối với hư tự; danh từ phải đối với danh từ, động từ phải đối với động từ; nếu vế đối này có đặt chữ Nho thì vế kia cũng phải đặt chữ Nho...

    Vế câu đối

    Một đôi câu đối gồm hai câu đi song nhau, mỗi câu là một vế. Nếu câu ấy từ một người sáng tác gọi là vế trên và vế dưới. Nếu một người nghĩ ra một vế để người khác làm vế kia thì gọi là vế ra và vế đối.

    Khi một câu đối do một người làm ra cả hai vế, thì chữ cuối, vế trên, câu bên phải (khi treo) là thanh trắc; còn chữ cuối, vế dưới, câu bên trái là thanh bằng.

    Số chữ và các thể câu đối

    Số chữ trong câu đối không nhất định, theo số chữ và cách đặt câu có thể chia câu đối ra làm các thể sau:

    * Câu tiểu đối: là những câu 4 chữ trở xuống.
    * Câu đối thơ: là những câu làm theo lối đặt câu của thể thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn.
    * Câu đối phú: là những câu làm theo các lối đặt câu của thể phú, gồm có:

    - Lối câu song quan: là những câu 6 đến 9 chữ, đặt thành một đoạn liền
    - Lối câu cách cú: là những câu mà mỗi vế chia làm 2 đoạn, một đoạn ngắn, một đoạn dài
    - Lối câu gối hạc hay hạc tất: là những câu mỗi vế có 3 đoạn trở lên.

    Luật bằng trắc

    * Câu tiểu đối:

    - Vế phải: trắc-trắc-trắc
    - Vế trái: bằng-bằng-bằng

    * Câu đối thơ: phải theo đúng luật bằng trắc của hai câu thực và câu luận trong lối thơ ngũ ngôn hoặc thất ngôn.
    * Câu đối phú: Chữ cuối mỗi vế và chữ cuối mỗi đoạn phải bằng đối với trắc hoặc trắc đối với bằng. Khi mỗi vế đối có từ 2 đoạn trở lên thì nếu chữ cuối vế là trắc, các chữ cuối các đoạn trên phải là bằng và ngược lại. Nếu đoạn đầu hoặc đoạn dưới có đúng 7 chữ thì đoạn ấy thường theo luật thơ thất ngôn.

    Phân loại câu đối : (Ở đây chỉ đề cập đến câu đối của VN, bỏ qua của TQ)

    Câu đối Việt Nam được Dương Quảng Hàm phân loại theo ý nghĩa, gồm các loại sau:

    * Câu đối mừng: làm để tặng người khác trong những dịp vui mừng như: mừng thọ, mừng thi đỗ, mừng đám cưới, mừng nhà mới...

    Nhất cận thị, nhị cận giang, thử địa khả phong giai tị ốc.
    Sống ở làng, sang ở nước, mừng ông nay lại vểnh râu tôm

    (Nguyễn Khuyến, viết mừng một chánh tổng trước bị cách chức, sau được phục sự và làm nhà mới.)

    * Câu đối phúng: làm để viếng người chết.

    Nhà chỉn rất nghèo thay, nhờ được bà hay lam hay làm, thắt lưng bó que, xắn váy quai cồng,

    tất tưởi chân nam chân chiêu, ví tớ đỡ đần trong mọi việc

    Bà đi đâu vợi mấy, để cho lão vất vơ vất vưởng, búi tóc củ hành, buông quần lá toạ,

    gật gù tay đũa tay chén, cùng ai kể lể chuyện trăm năm.

    (Nguyễn Khuyến: câu đối khóc vợ)

    * Câu đối Tết: làm để dán nhà, cửa, đền, chùa...về dịp Tết Nguyên Đán.

    Chiều ba mươi, nợ hỏi tít mù, co cẳng đạp thằng Bần ra cửa.
    Sáng mồng một, rượu say tuý luý, giơ tay bồng ông Phúc vào nhà.

    (Nguyễn Công Trứ, câu đối làm vào dịp tết lúc còn hàn vi.)

    * Câu đối thờ: là những câu tán tụng công đức tổ tiên hoặc thần thánh làm để dán hoặc treo những chỗ thờ.

    Tuế hữu tứ thời xuân tại thủ.
    Nhân ư bách hạnh hiếu vi tiên.

    (Dịch nghĩa: Năm có bốn mùa, mở đầu bằng mùa xuân. Người ta có trăm tính nhưng tính hiếu thảo là cần trước hết) hoặc:
    Mở rộng phương Tiên, công tế thế cao bằng Thái lĩnh
    Sống nhờ của Phật, ơn cứu người rộng tựa Cẩm Giang

    (Câu đối thờ Tuệ Tĩnh ở đền Bia)
    Tùng thanh, trúc thanh, chung khánh thanh, thanh thanh tự tại.
    Sơn sắc, thủy sắc, yên hà sắc, sắc sắc giai không.

    (Câu đối khắc ở chùa Diệu Đức, Huế).

    * Câu đối tự thuật: là những câu kể ý chí, sự nghiệp của mình và thường dán ở những chỗ ngồi chơi.

    Chị em ơi! ba mươi sáu tuổi rồi, khắp đông, tây, nam, bắc bốn phương trời, đâu cũng lừng danh công tử xác.
    Trời đất nhẻ! gắng một phen này nữa, xếp cung, kiếm, cầm thư vào một gánh, làm cho nổi tiếng trượng ềnh

    (Nguyễn Công Trứ, câu đối tự thuật)

    * Câu đối đề tặng: là những câu đối làm ra để đề vào chỗ nào đó hoặc tặng cho người khác.

    Nếu giầu quen thói kình khơi, con cháu nương nhờ vì ấm
    Việc nước ra tay chuyên bát, bắc nam đâu đấy lại hàng

    (Lê Thánh Tông, câu đối đề ở một hàng bán giầu (trầu) nước)

    * Câu đối tức cảnh: là những câu tả ngay cảnh trước mắt.

    Giơ tay với thử trời cao thấp
    Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài

    (Hồ Xuân Hương, vịnh cảnh trượt chân, ngã xoạc cẳng)

    * Câu đối chiết tự (chiết: bẻ gãy, phân tách; tự: chữ): là những câu do sự tách chữ Hán hoặc chữ Nôm ra từng nét hoặc từng phần mà đặt thành câu.

    Tự (字) là chữ, cất giằng đầu, chữ tử (子) là con, con ai con nấy?
    Vu (于) là chưng, bỏ ngang lưng, chữ đinh (丁) là đứa, đứa nào đứa này?


    * Câu đối trào phúng: là những câu làm để chế diễu, châm chích một người nào đó.

    Cung kiếm ra tay, thiên hạ đổ dồn hai mắt lại.
    Rồng mây gặp hội, anh hùng chỉ có một ngươi thôi

    (Câu đối tặng một người chột mắt mới đỗ khoa thi võ)

    * Câu đối tập cú: là những câu lấy chữ sẵn ở trong sách hoặc ở tục ngữ, ca dao.

    Gái có chông như rồng có vây, gái không chồng như cối xay không ngõng.
    Con có cha như nhà có nóc, con không cha như nòng nọc đứt đuôi.


    * Câu đối thách (đối hay đố): người ta còn nghĩ ra những câu đối oái ăm, cầu kỳ rồi người ta tự đối lấy hoặc thách người khác đối. Lối đối này thường sử dụng nghệ thuật chơi chữ, đồng âm dị nghĩa...

    Con cóc leo cây vọng cách, nó rơi xuống cọc, nó cạch đến già
    Con công đi qua chùa kênh, nó nghe tiếng cồng nó kềnh cổ lại

    (Câu đối có bốn chữ : cóc cách cọc cạch đối với bốn chữ công kênh cồng kềnh)

    Có những vế câu đối rất khó đối như:

    * Cha con thầy thuốc về quê, gánh một gánh hồi hương, phụ tử.

    Vế này khó đối vì hồi hương (cũng có nghĩa "về quê") và phụ tử (cũng có nghĩa "cha con") đồng thời lại là tên gọi các vị thuốc.

    * Vào vụ đông trường nam bón phân bắc trồng khoai tây, Sang xuân hạ quyết tâm thu hàng tấn củ.

    Vế này cũng khó đối vì đông, tây, nam, bắc (chỉ hướng địa lý) và xuân, hạ, thu, đông (chỉ các mùa ở Việt Nam)

    * Da trắng vỗ bì bạch

    Vế đối này của Đoàn Thị Điểm, hiện nay, có khá nhiều người đối nhưng chưa chỉnh, câu đối đã được đăng ở quyển Thế giới mới được coi là tạm ổn nhất.

    Câu này là "Tay sơ sờ tí ti" có thể coi là được chăng,câu này có trong "Thế giới mới" Tí cũng là tay, tí ti là một chút xíu, cũng là một từ láy âm tay sơ là tay còn trong sạch, nguyên vẹn. Xin đóng góp thêm một câu đối về câu: "da trắng vỗ bì bạch" "rừng sâu mưa lâm thâm" hay "trời xanh màu thiên thanh" .



    (ST)
    Last edited by NHAT NGUYET; 23-07-2009 at 07:54 PM.

  2. #2
    Member PhotobucketPhotobucket VỀ MIỀN TRUNG's Avatar
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    106
    Thanks
    2
    Thanked 3 Times in 3 Posts

    Default Ðề: Tản mạn về câu đối


    VMT trích một số câu đối tự viết nè

    1. Làm biếng:
    Đối viết dăm câu lười chẳng gởi
    Bài làm mấy đoạn nhác không đăng.

    2. (răn mình)
    Trẻ chớ khoe mình nơi phố thị
    Già đừng cậy sức chốn thôn trang

    3. (hẹn hò)
    Gió sớm vây quanh thề ngóng đợi
    Sương chiều phủ kín quyết chờ mong

    4. (tu thân)
    Tâm hồn chẳng đoái tuồng chim chuột
    Thể xác chi màng chuyện bướm ong

    5. (nghi án mỹ sơn)
    Làng quê máu đổ đau lòng cháu
    Xóm nhỏ đầu rơi xót dạ bà .

    6. Điếu thúc phụ:
    Một chốc hồn về nơi bích lạc
    Trăm năm xác gởi chốn hoàng tuyền

    7. Giáo nghèo:
    Trên tường mốc bám không thèm dọn
    Dưới đất rêu đan chẳng muốn chùi.

    8. Đôi đũa lệch:
    Gái trẻ hân hoan chờ phối ngẫu
    Trai già thấp thỏm đợi giao bôi

    9. Tố nữ thời @:
    Quần may ngắn ngủn phô đùi nõn
    Áo vá sơ sài lộ ngực tơ

    10. Số đề:
    Lão bố mừng vui vừa trúng bạc
    Thằng con cáu bực mới thua tiền

    11. Bóng đá:
    Đội thắng reo ầm nơi xứ lạ
    Phe thua nín lặng tại quê nhà

    12. Cờ bạc:
    Vợ lỗ vàng khâu mơ đổi kiếp
    Chồng thâm bạc nén ước thay đời !

    13. Cờ tướng:
    Tốt đỏ năm con càng lấn tới
    Xe xanh một gã cứ đi lùi

    14. Hiếu đạo:
    Nghĩa mẹ sinh thành luôn khắc cốt
    Ân thầy dưỡng dục mãi ghi tâm

    15. Tập buôn bán:
    Mua bừa vật thải hao tiền triệu
    Bán đại hàng tồn lỗ bạc trăm

    16. Đón lân:
    Chiêng khua dậy ngõ chào tài đến
    Trống giục vang làng đón lộc vô.

    17. Bất hiếu tử:
    Cha già hốc hác anh vờ lảng
    Mẹ yếu xanh xao chị giả chuồn.

    18. Làm vườn:
    Giàn tre mảnh khảnh chồng ương bí
    Cọc gỗ lêu nghêu vợ vãi bầu.

    19. Nội tôi:
    Văn chương nổi tiếng đồn toàn quận
    Toán pháp lừng danh thổi khắp miền.

    20. Chiều quê:
    Mây ngàn mấy cụm treo sườn núi
    Gió biển vài cơn lướt mặt bờ .

    21. Cảnh nhà:
    Hiên nhà chú mướp vờn khoanh chỉ
    Chái bếp thằng ki giỡn trái cầu .

    22. Mơ tưởng:
    Chồng mơ lắm bạc xây nhà lớn
    Vợ ước thừa tiền tậu ruộng to.

    23. Xem đá gà:
    Thằng Ô lật cánh tung đòn hiểm
    Gã Đốm quay đầu giở thế hay.

    24. Tình yêu trên net:
    Trẻ đợi thư về từ đất khách
    Già mong điện đến tự quê người.

    25. Chữa cháy nhà:
    Lửa phựt đầy trời anh xách nước
    Tro bay kín đất chị cầm vòi.

    26. Nhà dột:
    Nắng đến trên tường năm bảy lỗ
    Mưa về dưới đất chín mười hang.

    27. Xem đấu vật
    Phía đỏ vươn tay vừa kẹp cổ
    Bên xanh xoạc vế đã đè lưng.

    28. Đám tang:
    Đầu tường liễn phúng treo dăm chiếc
    Cuối mái hoa tang cột mấy vòng.

    29. Đám tang 2:
    Anh chồng vật vã nằm la hét
    Chị vợ thờ ơ đứng nói cười.

    30. Quà cưới:
    Bên trai tặng rễ đồng hồ liệt
    Họ gái cho dâu quạt máy quèn .

    31. Bão:
    Mái sập ngay đầu ông bỏ thế
    Cây rơi trúng óc mệ lìa trần.

    32. Mùa về:
    Lúa chín trên nương chờ kẻ gặt
    Sen tàn dưới ruộng đợi người thu.

    33. Vào vụ:
    Đợt nắng qua nhanh chàng trỉa đậu
    Mùa mưa đến chậm thiếp gieo vừng.

    34. Lập nghiệp:
    Bỏ xứ chồng mơ gầy sự nghiệp
    Rời làng vợ ước dựng công danh.

    35. Tiệm hậu sự:
    Đầu tường liễn điếu treo dăm chiếc
    Cuối vách vòng hoa dựng mấy vòng

    36. Chân quê:
    Đầu bờ thiếu nữ đưa câu hát
    Dưới ruộng thanh niên đẩy điệu hò.

    37. Cưới xin:
    Thăm nhà Tết đến mai còn nở
    Dạm ngõ Hè về phượng đã rơi.

    38. Mẹo Việt Nam:
    Bôi dầu mặt lá xui ruồi đục
    Quẹt mỡ lưng sò dụ kiến bu.

    39. Cẩu thả:
    Vài dòng chắp vá thành câu đối
    Mấy chữ thu gom hóa đoạn vè.

    40. Bóng đá:

    Đội thắng reo ầm nơi xứ lạ
    Phe thua nín lặng tại quê nhà

    41. Xem đá gà:
    Thằng Ô lật cánh tung đòn hiểm
    Gã Đốm quay đầu giở thế hay.

    42. Luyện thể hình:
    Kẻ nở cơ tay nhìn chắc nịch
    Người trương bắp vế thấy dai đòn.

    43. Chữa cháy nhà:
    Lửa phựt ngang trời anh tạt nước
    Tro bay phủ đất chị cầm vòi.
    CỔ MỘ NHỊ THẬP TAM KHÔI

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •