Bài 1 đến 5/5

Chủ đề: Thi pháp thơ Đường - Khải Chính Phạm Kim Thư

  1. #1
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Thi pháp thơ Đường - Khải Chính Phạm Kim Thư

    Thi pháp thơ Đường

    Thơ Đường Luật hay Luật Thi (cận thể) là loại thơ ngũ ngôn hay thất ngôn (bát cú và tứ tuyệt hay tuyệt cú) được làm theo luật thơ rất có quy củ đặt ra từ đời nhà Đường bên Trung Quốc (618-907).

    Thơ Cổ Phong (cổ thể) là thể thơ tương đối tự do gồm những câu thơ 5 chữ hay 7 chữ (ngũ ngôn cổ phong hay thất ngôn cổ phong), không hạn chế số câu. Thơ Cổ Phong xuất hiện vào đời Đông Hán (25-220), trước đời nhà Đường.

    I. Đặc Tính và Tác Dụng của Thơ

    Làm văn đã khó mà làm thơ, nhất là thơ Đường Luật, lại càng khó hơn.Trước khi bàn về thi pháp của Thơ Đường Luật, chúng ta cần phải hiểu về các đặc tính và tác dụng của thơ.

    Thơ là hình thức đầu tiên của văn học. Thơ có trước văn tự và âm nhạc. Cảm xúc là nguồn gốc của thơ. Cảm xúc bị xúc động thì trong lòng phát ra lời với âm hưởng và tiết tấu gọi là thơ. Điều này có nghĩa là thơ dùng để biểu lộ tình cảm và tư tưởng con người. Do đó đặc tính của thơ là cảm xúc và nhạc tính. Nhạc tính ở đây có nghĩa là âm hưởng (harmony) và tiết tấu (rhythm). Âm hưởng là sự hòa điệu, hòa âm, và hòa thanh của các từ được dùng để gây xúc động cho thính giả. Tiết tấu có nghĩa là nhịp điệu và sự ngắt nhịp trong câu thơ.

    Thơ có tác dụng để tạo tình hòa khí giữa vợ chồng, củng cố lòng hiếu thảo của con cháu đối với cha mẹ và ông bà, xây dựng đạo làm người, giáo hóa về luân thường đạo lý cho nhân loại, thăng hoa tình cảm con người, can ngăn các việc làm ngang trái của nhà cầm quyền, và cải thiện phong tục cùng tập quán của xã hội. Chính vì thế mà người ta có quan niệm “văn dĩ tải đạo”, tức là thơ văn dùng để chuyên chở đạo lý.

    Nói chung thơ là nghệ thuật truyền thông tư tưởng và cảm xúc bằng ngôn ngữ đượm tính âm nhạc. Mỹ cảm trong thơ do tiết tấu và âm hưởng tạo ra. Thơ nhạc thường đi đôi với nhau vì những bài thơ hay thường được phổ nhạc. Chính vì thế thơ là một nghệ thuật và hệ thống ký hiệu làm phát sinh trong lòng ta những cảm giác, tình cảm, tư tưởng, và ý tưởng. Và cũng chính vì thế mà thơ còn được các nhà cách mạng Quốc Gia chân chính sử dụng để khích động, kích thích, và dẫn khởi lòng yêu nước thương nòi cùng trí tưởng tượng của chúng ta để dùng vào việc cứu nước cứu dân, hầu xây dựng tự do dân chủ và nhân quyền cho toàn dân Việt.

    II. Sự Sáng Tác Thơ

    Sự sáng tác thơ có nghĩa là việc làm thơ. Việc sáng tác thơ bao gồm “lập ý” và “tu từ.”

    a. Việc Lập Ý

    Lập ý có nghĩa là khi làm thơ chúng ta cần phải diễn đạt đúng với những ý tưởng và cảm xúc đang có trong lòng một cách chân thành. Đó là nội dung bài thơ. Chính vì thế mà thơ có thể làm cho người đọc cảm ứng theo ý thơ mà rơi lệ. Việc “lập ý” trong thơ Đường có quy luật về phép dàn ý (xin xem phần nói về bố cục của bài thơ Đường luật “thất ngôn bát cú”.

    b. Việc Tu Từ

    Tu từ có nghĩa là cách dùng chữ hay lời thơ đúng cách và chải chuốt để diễn đạt ý thơ. Tu từ thuộc về mặt hình thức của bài thơ.. Chữ hay lời thơ có tác dụng khích động độc giả. Chính vì thế mà việc tu từ giữ một địa vị quan trọng thi pháp.

    Có hai khuynh hướng về cách dùng chữ trong việc làm thơ: dùng chữ một cách cầu kỳ để kích động độc giả và dùng chữ một cách tự nhiên và bình dị. Việc chủ trương sử dụng chữ một cách cầu kỳ, nhất là trong thơ Đường Luật, là cốt để kinh động độc giả theo ý muốn của nhà thơ. Thơ Đường Luật thuộc về loại thơ nặng phần kỹ xảo.

    Những người chủ trương dùng chữ một cách tự nhiên và bình dị quan niệm rằng nếu dùng chữ cầu kỳ quá thì ý thơ sẽ mất đi. Đã mất ý đi thì dù lời thơ có khéo cho mấy cũng làm cho bài thơ mất giá trị đi.

    Muốn việc sử dụng chữ trong một bài thơ được hay và đúng cách, các nhà làm thơ không nên để việc trùng ý xảy ra, không dùng chữ dư thừa vô ích, và tuyệt đối không được dùng chữ tục tĩu. Việc dùng điển cố thì tùy từng trường hợp, tuy nhiên, không nên vì sử dụng điển cố mà làm cho bài thơ tối nghĩa và mất tự nhiên. Muốn việc tu từ được chu đáo, nhà thơ cần phải đọc thơ cho nhiều và để ý chọn chữ cho đúng cách. Khi đã đọc nhiều thơ của các thi nhân nổi tiếng, chúng ta sẽ học hỏi được cách dùng từ và trau dồi thêm ý thơ, nhiên hậu chúng ta sẽ làm thơ được dễ dàng, tức là nói ra đã thành thơ rồi.

    c. Sự Tương Quan Giữa Lập Ý và Tu Từ

    Theo thường tình thì nội dung bài thơ quan trọng hơn hình thức của nó. Điều này có nghĩa là việc “lập ý” quan trọng hơn việc “tu từ.” “Lập ý” là tinh thần và linh hồn, còn “tu từ” chỉ là phục sức hay thân thể mà thôi. Ý nghĩa mới là chính, việc dùng chữ chỉ là thứ yếu mà thôi. Một bài thơ hay là cốt ở ý có cao sâu hay không. Nếu một bài thơ mà cách dùng chữ có hay đến mấy nhưng không có ý cao sâu thì cũng là bài thơ dở. Ý thơ do cảnh ngộ mà có vì cảnh ngộ sinh ra cảm xúc rồi cảm xúc tạo ra ý thơ, rồi sau đó mới dùng lời để diễn đạt. Tuy nhiên, ý thơ được diễn tả bằng lời thơ. Vì thế việc lập ý và tu từ cần phải được đi đôi với nhau thì bài thơ mới tuyệt diệu. Có nhiều trường hợp mà lời không diễn tả được hết ý nhưng vẫn tạo được ý ở ngoài lời. Đó là trường hợp “ý tại ngôn ngoại.”

    Việc sáng tác thơ thường do tính tự nhiên phát khởi cả về ý lẫn từ mà có. Chính vì thế mà các nhà làm thơ đã sáng tác được các câu thơ hay tuyệt diệu nhưng lại không biết cách giải thích tại sao mình làm được những câu thơ đó. Nhiều người chủ trương rằng khi làm thơ, người ta chỉ cốt sao diễn tả được ý và có chút vần điệu là được. Có ý và có vần điệu thì đó là thơ.

    Đã có người cho rằng tiếng Việt ta khi nói ra cũng đã là thơ rồi. Người ta định nghĩa thơ (thi) là thể văn có thanh, vận, âm điệu rõ ràng, và có thể ngâm vịnh được. Quả thật như vậy, tiếng Việt của ta có đủ các yếu tố trên. Tiếng Việt chúng ta có âm điệu thật du dương là nhờ ở tám thanh: 2 thanh bằng và 6 thanh trắc. Những tiếng không dấu hay có dấu huyền được xếp vào loại tiếng có thanh bằng, do đó ta có 2 thanh bằng.Tiếng có dấu sắc, nặng, hỏi, và ngã được xếp vào loại thanh trắc. Riêng tiếng có dấu sắc và dấu nặng lại được chia ra mỗi tiếng có 2 thanh nữa là thanh trắc nhập và thanh trắc khứ tùy theo tiếng đằng sau nó có các phụ âm c, ch, p, và t hay không.

    Thí dụ:

    Thanh trắc khứ: chống, thắng
    Thanh trắc nhập: chốc, trách, chấp, chất
    Thanh trắc khứ: động, rộn
    Thanh trắc nhập: độc, trạch, chộp, chột

    Ở Trung Quốc, thanh âm xưa và nay không giống nhau. Trước đây, chẳng hạn như tiếng Bắc Bình (Quan Thoại) có 4 thanh, tiếng Thượng Hải có 5 thanh, và tiếng Quảng Đông có 7 thanh. Từ đời nhà Đường (618-907) và đời nhà Minh (1368-162 , ngôn ngữ của Trung Quốc có 4 thanh (tứ thanh). Bốn thanh được sử dụng trong thơ Đường gồm 1 thanh bằng (bình thanh) và 3 thanh trắc (thượng thanh, khứ thanh, và nhập thanh).

    Thí dụ:

    Bình thanh: đông. Thượng thanh: đổng.
    Khứ thanh: đống. Nhập thanh: đốc

    Những người phóng khoáng chỉ cốt diễn tả ý một cách trung thực đều không thích làm thơ Đường Luật (Luật Thi) theo lối bát cú (thất ngôn, ngũ ngôn) hay tứ tuyệt (tuyệt cú). Lý do chính là hai loại thơ này đều là thi pháp của Tàu và có luật lệ rất khắt khe. Nếu đã nói là làm thơ Đường Luật thì ta bắt buộc phải theo niêm luật nhất định. Chính vì thế mà các cụ ta và ngay cả các người làm thơ thời nay thường làm loại thơ trông có vẻ là thơ Đường Luật, cũng thất ngôn và ngũ ngôn bát cú hay tứ tuyệt, nhưng thực ra đó là một lối thơ tự do, tức là thơ Cổ Phong. Lối thơ này không cần theo niêm luật hay đối mà chỉ cốt có vần và âm điệu mà thôi.

    d. Điều Kiện Để Sáng Tác Thơ Cho Hay

    Thực tế cho ta biết là việc sáng tác thơ cốt ở cảm xúc và nhạc tính. Chứng cớ là những câu ca dao của ta được phát xuất ra từ những người bình dân trong dân gian mà cảm xúc, ý nghĩa, và nhạc tính của những câu ca dao này thật tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu xét về các thi phẩm của những thi nhân nổi tiếng ở Việt Nam trước đây, ở Trung Quốc, và ở các nước Âu Châu, chúng ta sẽ thấy muốn sáng tác thơ cho tuyệt hảo thì cần phải có hai điều kiện: thiên tài và học lực. Hai điều kiện này phải đi đôi với nhau thì việc sáng tác thơ mới đạt tới kết quả mỹ mãn. Lý do chính là nếu không có thiên tài về thơ thì chúng ta không có khả năng tinh tế để mở cửa kho kiến văn và vốn học lực. Có thiên tài về thơ mà không có học lực thì chúng ta không có chất liệu để sử dụng thiên tài về thơ cho đến chỗ tuyệt hảo. Chính vì thế mà tác phẩm Truyện Kiều của Nguyên Du mới trở thành tác phẩm tuyệt trần vô tiền khoáng hậu trong văn học Việt Nam vì Nguyễn Du là nhà thơ vừa có thiên tài về thơ lại vừa có học lực.

  2. #2
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Thi pháp thơ Đường - Khải Chính Phạm Kim Thư

    III. Phép Làm Thơ Đường Luật

    Thơ Đường luật chia làm hai thể: thơ bát cú (Luật Thi) và thơ tứ tuyệt (tuyệt cú).

    1. Bát Cú : Thơ Bát Cú Có Hai Loại:
    Thất Ngôn và Ngũ Ngôn

    a. Thất Ngôn Bát Cú

    Thơ thất ngôn bát cú là loại thơ mỗi bài có 8 câu và mỗi câu 7 chữ, tức là chỉ có 56 chữ trong một bài thơ thất ngôn bát cú. Thơ thất ngôn bát cú có thể được làm theo hai luật: luật bằng và luật trắc. Về vần thì có hai loại: vần bằng và vần trắc. Tuy nhiên, các nhà thơ thường hay làm theo vần bằng, tức là luật bằng vần bằng và luật trắc vần bằng.

    - Luật Bằng Vần Bằng là bài thơ bắt đầu bằng hai tiếng bằng và các tiếng ở cuối câu 1,2,4,6 và 8 phải vần với nhau và là vần bằng, chẳng hạn như trong bài họa của Phan Văn Trị đối với bài “Tôn Phu Nhân Qui Thục” của Tôn Thọ Tường, câu đầu của bài thơ này bắt đầu bằng hai tiếng bằng: “Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng.” Các chữ cuối của câu 1, 2, 4, 6 và 8 gồm: “tòng, đông, hồng, sông, và chồng” đều là vần bằng và vần với nhau.
    Cách sắp đặt tiếng bằng trắc (luật thơ) trong các câu của bài thơ thất ngôn bát cú luật bằng vần bằng như sau:

    Luật Thơ

    B - B - T - T - T - B - B (vần)
    T - T - B - B - T - T - B (vần)
    T - T - B - B - B - T - T
    B - B - T - T - T - B - B (vần)
    B - B - T - T - B - B - T
    T - T - B - B - T - T - B (vần)
    T - T - B - B - B - T - T
    B - B - T - T - T - B - B (vần)

    Thí dụ:

    TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
    (Bài họa của Phan Văn Trị)

    Cài trâm sửa áo vẹn câu tòng
    Mặt ngả trời chiều biệt cõi đông
    Ngút tỏa trời Ngô ùn sắc trắng
    Duyên về đất Thục đượm màu hồng
    Hai vai tơ tóc bền trời đất
    Một gánh cương thường nặng núi sông
    Anh hỡi Tôn Quyền anh có biết
    Trai ngay thờ chúa, gái thờ chồng

    - Luật Trắc Vần Bằng là bài thơ bắt đầu bằng hai tiếng trắc và các tiếng ở cuối câu 1, 2, 4 ,6 và 8 phải vần với nhau và phải là vần bằng, chẳng hạn như trong bài xướng “Tôn Phu Nhân Qui Thục” của Tôn Thọ Tường, câu đầu của bài thơ này bắt đầu bằng hai tiếng trắc: “Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng.” Các chữ cuối của câu 1, 2, 4, 6 và 8 gồm: “tòng, đông, hồng, sông, và chồng) đều là vần bằng và vần với nhau.

    Luật Thơ:

    T - T - B - B - T - T - B (vần)
    B - B - T - T - T - B - B (vần)
    B - B - T - T - B - B - T
    T - T - B - B - T - T - B (vần)
    T - T - B - B - B - T - T
    B - B - T - T - T - B - B (vần)
    B - B - T - T - B - B - T
    T - T - B - B - T - T - B (vần)

    Thí Dụ:

    TÔN PHU NHÂN QUI THỤC
    (Bài xướng của Tôn Thọ Tường)

    Cật ngựa thanh gươm vẹn chữ tòng
    Ngàn thu rạng tiết gái Giang Đông
    Lìa Ngô bịn rịn chòm mây bạc
    Về Hán trau tria mảnh má hồng
    Son phấn thà cam dày gió bụi
    Đá vàng chi để thẹn non sông
    Ai về nhắn với Châu Công Cẩn
    Thà mất lòng anh được bụng chồng

    b. Ngũ Ngôn Bát Cú

    Thơ ngũ ngôn bát cú là loại thơ mỗi bài gồm có 8 câu và mỗi câu có 5 chữ, tức là chỉ có 40 chữ trong một bài thơ thuộc loại này. Thơ ngũ ngôn bát cú cũng theo qui luật về cách gieo vần như thất ngôn bát cú, tức là chỉ có một vần được gọi là độc vận và thường là vần bằng. Cũng giống như thơ thất ngôn bát cú, các vần trong bài ngũ ngôn bát cú được gieo ở cuối câu đầu và cuối các câu chẵn.

    Thơ ngũ ngôn bát cú cũng có luật bằng trắc như thất ngôn bát cú, tức là bài thơ theo luật bằng thì bắt đầu bằng hai tiếng bằng, bài thơ theo luật trắc thì bắt đầu bằng hai tiếng trắc. Cũng giống như thất ngôn bát cú, thường thường các nhà thơ làm thơ ngũ ngôn bát cú theo luật bằng vần bằng và luật trắc vần bằng. Không có mấy ai làm theo vần trắc.

    - Luật Bằng Vần Bằng và cách sắp đặt các tiếng bằng trắc:

    Luật Thơ

    B - B - T - T - B (vần)
    T - T - T - B - B (vần)
    T - T - B - B - T
    B - B - T - T - B (vần)
    B - B - B - T - T
    T - T - T - B - B (vần)
    T - T - B - B - T
    B - B - T - T - B (vần)

    Thí dụ:

    ĐƯỢC TIN BẠN ĐAU
    (Khải Chính tặng bạn Trần Quang Túc, 1966)

    Nghe tin bác bị đau
    Lòng thấy thật buồn rầu
    Tri kỷ xa vời quá
    Tri âm vắng bóng lâu
    Nghe danh tình cách mạng
    Kết bạn nghĩa vô cầu.
    Chúc bác mau bình phục
    Chung vai nguyện có nhau

    - Luật Trắc Vần Bằng và cách sắp đặt các tiếng bằng trắc trong các câu của bài thơ ngũ ngôn bát cú luật trắc vần bằng:

    Luật Thơ

    T - T - T - B - B (vần)
    B - B - T - T - B (vần)
    B - B - B - T - T
    T - T - T - B - B (vần)
    T - T - B - B - T
    B - B - T - T - B (vần)
    B - B - B - T - T
    T - T - T - B - B (vần)

    Thí dụ:

    DÒNG CẢM BIỆT
    (Toại Khang tặng Trình Xuyên, Hà Nội, 1990)

    Ôi lại người ra đi
    Chia tay có hạn kỳ
    Gia đình mừng tái hợp
    Lan trúc nhớ tương tri
    Song hạc mùa tung cánh
    Bốn phương ý kịp thì
    Cảm tình xanh viễn mộng
    Bút tiễn gót vân phi

    - Luật Bằng Vần Trắc, Luật Trắc Vần Trắc

    Còn có luật bằng vần trắc và luật trắc vần trắc cho một bài thất ngôn và ngũ ngôn bát cú nữa, tức là bài thơ bắt bầu bằng hai tiếng bằng hay hai tiếng trắc và các tiếng ở cuối câu 1,2,4,6 và 8 phải vần với nhau và là vần trắc. Loại thơ vần trắc này rất hiếm người làm nên không được trình bày ở trong phạm vi bài này.

    c. Luật Lệ Chung về Thất Ngôn và Ngũ Ngôn Bát Cú

    - Luật Bất Luận và Khổ Độc

    * Bất Luận (không kể, tức là không cần phải theo đúng luật)

    Trong lối thơ Đường Luật, người ta áp dụng luật “nhất tam ngũ bất luận” cho thơ thất ngôn, và “nhất tam bất luận” cho thơ ngũ ngôn. Điều này có nghĩa là trong thơ thất ngôn thì chữ thứ nhất, thứ ba, và thứ năm không cần phải theo đúng luật; trong thơ ngũ ngôn thì chữ thứ nhất và thứ ba không bắt buộc phải theo đúng luật. Chính vì thế mới gọi là “bất luận” (không kể).

    * Khổ Độc (khó đọc)

    Tuy là có luật “bất luận,” nhưng nếu tiếng đáng bằng mà đổi ra trắc thì trong các trường hợp sau thành ra khổ độc, tức là rất khó đọc và khó ngâm. Đó là chữ thứ 3 của các câu chẵn và chữ thứ 5 các câu lẻ trong thơ thất ngôn hay chữ thứ 1 của các câu chẵn và chữ thứ 3 của các câu lẻ trong thơ ngũ ngôn nếu là bằng mà đổi ra trắc thì gọi là khổ độc và không chỉnh. Tuy nhiên, nếu tiếng trắc mà đổi ra bằng thì không sao.

    - Niêm
    “Niêm” có nghĩa là dính, ý nói sự liên hệ về âm luật của hai câu thơ trong một bài Đường luật phải đúng cách. Đó là bằng niêm với bằng, trắc niêm với trắc. Chữ thứ 2 của mỗi hai câu sau đây phải niêm với nhau, hoặc là cùng bằng hoặc là cùng trắc, bằng niêm với bằng và trắc niêm với trắc: câu 1 và 8, câu 2 và 3, câu 4 và 5, câu 6 và 7. Điều này có nghĩa là nếu bài thơ thuộc loại bát cú luật trắc vần bằng, chữ thứ nhì của câu 1 là trắc thì chữ thứ nhì của câu 8 cũng phải là trắc; chữ thứ nhì của câu 2 là bằng thì chữ thứ nhì của câu 3 cũng phải là bằng; chữ thứ nhì của câu 4 là trắc thì chữ thứ nhì của câu 5 cũng phải là trắc; và chữ thứ nhì của câu 6 là bằng thì chữ thứ nhì của câu 7 cũng phải là bằng. Nếu bài thơ thuộc loại bát cú luật bằng vần bằng, chữ thứ nhì của câu 1 là bằng thì chữ thứ nhì của câu 8 cũng phải là bằng; chữ thứ nhì của câu 2 là trắc thì chữ thứ nhì của câu 3 cũng phải là trắc; chữ thứ nhì của câu 4 là bằng thì chữ thứ nhì của câu 5 cũng phải là bằng; và chữ thứ nhì của câu 6 là trắc thì chữ thứ nhì của 7 cũng phải là trắc.

    - Bố Cục Bài Thơ Bát Cú

    * Câu số 1 dùng để mở bài (phá đề), câu số 2 dùng để chuyển tiếp vào bài (thừa đề). Hai câu này có tên là hai câu đề.
    * Hai câu 3 và 4 dùng để giải thích đề tài cho rõ ràng. Hai câu này có tên là hai câu thuật (thực) hay trạng.
    * Hai câu 5 và 6 dùng để bàn rộng nghĩa đề tài và được gọi là hai câu luận.
    *Hai câu 7 và 8 dùng để tóm ý nghĩa cả bài và được gọi là hai câu kết.

    - Hai Cặp Câu Thơ Phải Đối Với Nhau Trong Bài Thất Ngôn và Ngũ Ngôn Bát Cú:
    Trong bài thơ bát cú (thất ngôn hay ngũ ngôn), câu 3 đối với câu 4, và câu 5 đối với câu 6.
    Những câu này phải theo đúng luật bằng trắc (hai câu thực hay trạng và hai câu luận). Đối là đặt hai câu cân xứng với nhau sao cho ý và chữ đối với nhau. Thí dụ:

    “Hai vai tơ tóc bền trời đất”
    đối với:
    “Một gánh cương thường nặng núi sông”

    Hoặc:
    “Nghe danh tình cách mạng”
    đối với:
    “Kết bạn nghĩa vô cầu”

    Xin xem bài về “Thanh, Vận, và Đối” do nhà thơ Cung Vũ đã thuyết trình vào ngày 5-5-2002 để hiểu rõ thêm các chi tiết về thanh, vận, và đối. Nếu ai chưa có bài này, xin liên lạc với nhà thơ Cung Vũ qua số điện thoại (Phone) 905-607-8010 hay số điện thư (Fax) 905-607-8011 (Hoa Kỳ).

    Vì bài thất ngôn bát cú chỉ có 8 câu gồm 56 chữ và bài ngũ ngôn bát cú chỉ có 8 câu gồm 40 chữ, ta không nên dùng trùng chữ hay trùng nghĩa khi đối và khi gieo vần. thí dụ có vẻ đối mà không đối như trong hai vế ”Lòng vẫn nhớ” và “Dạ nào quên”. Đó chỉ là một ý “nhớ” mà thôi, không chỉnh. Khi đối phải nhớ đối cả ý lẫn từ, chẳng hạn như “Phước như Đông Hải” đối với “Thọ tỷ Nam Sơn.”

    Mỗi ý mỗi từ sử dụng trong câu thơ đều phải cân nhắc sao cho có chất lượng và có ý sâu xa. Bài thơ Đường Luật rất khó làm, nhưng khi đã làm được thì ta sẽ cảm thấy thật thích thú vì đó là cả một nghệ thuật và quả là một công trình quí báu.

    2. Tứ Tuyệt (Tuyệt Cú)

    Thực ra thơ tứ tuyệt hay tuyệt cú đã xuất hiện trước khi có thơ thất ngôn và ngũ ngôn bát cú. Mới đầu, thơ tứ tuyệt hay tuyệt cú có nghĩa khác với nghĩa sau này: “tứ” là bốn và “tuyệt” có nghĩa là tuyệt diệu. Chỉ có 4 câu mà bài thơ diễn tả đầy đủ ý nghĩa của tác giả muốn trình bày nên người ta mới gọi 4 câu thơ đó là tứ tuyệt hay tuyệt cú. Tuy nhiên, sau khi có thơ thất ngôn hay ngũ ngôn bát cú (luật thi) vào đời nhà Đường , thơ tứ tuyệt (tuyệt cú) lại phải được làm theo quy tắc về niêm, luật, đối, và vần của lối thơ thất ngôn hay ngũ ngôn bát cú. Chính vì thế , sau này người ta giải thích chữ “tuyệt” là ngắt hay dứt. Điều này có nghĩa là thơ tứ tuyệt là do người ta làm theo cách ngắt lấy 4 câu trong bài bát cú để làm ra bài tứ tuyệt. Vì vậy niêm, luật, đối, và vần của bài tứ tuyệt phải tùy theo cách ngắt bài bát cú mà thành.

    Cách ngắt những câu trong bài bát cú để làm thành bài tứ tuyệt như sau: ngắt 4 câu đầu, ngắt 4 câu giữa, ngắt 4 câu cuối, ngắt 2 câu đầu và 2 câu cuối, và ngắt 2 câu đầu và 2 câu số năm và số sáu. Vậy ta có 5 cách ngắt bài bát cú để làm thành 5 bài tứ tuyệt, mỗi bài vẫn đủ ý, đúng niêm luật, và đối đúng cách. Tuy nhiên, ta có thể làm ngay một bài tứ tuyệt, thất ngôn hay ngũ ngôn, theo đúng luật thơ của cách ngắt bài tứ tuyệt từ bài bát cú mà không cần phải làm bài bát cú rồi mới ngắt ra. Cách giải thích này cốt cho ta thấy rằng có nhiều cách làm thơ tứ tuyệt. Điều này có nghĩa là khi ta làm một bài tứ tuyệt, ta phải theo niêm, luật, đối, và vần của một trong năm bài tứ tuyệt được ngắt ra từ bài thất ngôn hay ngũ ngôn bát cú.

    Sau đây là thí dụ về cách ngắt bài thất ngôn bát cú thành ra 5 bài tứ tuyệt và bài nào cũng đủ ý và đúng luật.

    Bài thơ NHƯ Ý
    (Khải Chính Phạm Kim Thư tặng Lê Mỹ Như Ý, 1994)

    Như ý ai ơi thật tuyệt vời
    Văn Thơ vẹn cả hiếm ai người
    Tình sâu tô điểm công dày đắp
    Nghĩa lớn vun trồng đức rạng soi
    Tài trí danh vang nơi đất khách
    Sắc hương ánh tỏa khắp phương trời
    Bảy năm góp mặt “Người Yêu Dấu”
    “Nỗi Nhớ Khôn Nguôi” kiếp đổi đời

    Bài trên được ngắt thành 5 bài tứ tuyệt theo năm cách sau: 4 câu đầu, 4 câu cuối, 4 câu giữa, 2 câu đầu và 2 câu cuối, 2 câu đầu và 2 câu năm sáu:

    1.
    Như Ý ai ơi thật tuyệt vời
    Văn thơ vẹn cả hiếm ai người
    Tình sâu tô điểm công dày đắp
    Nghĩa lớn vun trồng đức rạng soi

    2.
    Tài trí danh vang nơi đất khách
    Sắc hương ánh tỏa khắp phương trời
    Bảy năm góp mặt “Người Yêu Dấu”
    “Nỗi Nhớ Khôn Nguôi” kiếp đổi đời

    3.
    Tình sâu tô điểm công dày đắp
    Nghĩa lớn vun trồng đức rạng soi
    Tài trí danh vang nơi đất khách
    Sắc hương ánh tỏa khắp phương trời

    4.
    Như ý ai ơi thật tuyệt vời
    Văn thơ vẹn cả hiếm ai người
    Bảy năm góp mặt “Người Yếu Dấu”
    “Nỗi Nhớ Khôn Nguôi” kiếp đổi đời

    5.
    Như ý ai ơi thật tuyệt vời
    Văn thơ vẹn cả hiếm ai người
    Tài trí danh vang nơi đất khách
    Sắc hương ánh tỏa khắp phương trời

    - Bài thất ngôn tứ tuyệt có thể được làm riêng rẽ, không cần ngắt ra từ bài bát cú. Lý Thường Kiệt làm bài thơ tứ tuyệt sau đây khi ông đem quân chống quân nhà Tống (1076). Sở dĩ ông làm ra bài thơ này là vì quân nhà Tống đánh trận hăng lắm, ông đã đem hết sức chống giặc nhưng vẫn sợ quân mình ngã lòng nên mới đặt ra câu chuyện nói rằng có thần ban cho 4 câu thơ để củng cố lòng hăng say đánh giặc của quân lính. Bài này được làm theo cách ngắt của 4 câu đầu của bài bát cú: luật trắc vần bằng, 3 vần, hai câu cuối đối nhau:

    Nam Quốc sơn hà Nam Đế cư
    Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
    Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
    Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư

    Nghĩa của bài này được tóm lược như sau:
    "Núi sông nước Nam thì vua nước Nam ở
    Rõ ràng phận đã định ở trong cuốn sổ của trời
    Làm sao bọn giặc lại xâm phạm đất của ta được
    Lũ chúng mày rồi sẽ bị thua bại hết"

    - Bài ngũ ngôn bát cú “Được Tin Bạn Đau”
    (đã trích dẫn ở trên) được ngắt thành 5 bài tứ tuyệt như sau:

    1.
    Nghe tin bác bị đau
    Lòng thay thật buồn rầu
    Tri kỷ xa vời quá
    Tri âm vắng bóng lâu

    2.
    Tri kỷ xa vời quá
    Tri âm vắng bóng lâu
    Nghe danh tình cách mạng
    Kết bạn nghĩa vô cầu

    3.
    Nghe danh tình cách mạng
    Kết bạn nghĩa vô cầu
    Chúc bác mau bình phục
    Chung vai nguyện có nhau

    4.
    Nghe tin bác bị đau
    Lòng thấy thật buồn rầu
    Chúc bác mau bình phục
    Chung vai nguyện có nhau

    5.
    Nghe tin bác bị đau
    Lòng thấy thật buồn rầu
    Nghe danh tình cách mạng
    Kết bạn nghĩa vô cầu

    - Bài ngũ ngôn tứ tuyệt có thể được làm riêng rẽ, không ngắt ra từ bài ngũ ngôn bát cú. Khi đem quân vào thành Thăng Long để mở tiệc khao quân sau khi đánh cho Thoát Hoan (giặc nhà Nguyên) phải bỏ chạy (1284). Trần Quang Khải đã làm bài thơ ngũ ngôn tứ tuyệt sau đây. Bài thơ này được làm theo luật trắc, vần bằng, thuộc khuôn khổ 4 câu sau của bài ngũ ngôn bát cú, 2 vần, hai câu đầu đối nhau.

    Nguyên Tác của Trần Quang Khải:

    Đoạt sáo Chương Dương độ
    Cầm Hồ Hàm Tử quan
    Thái bình nghi nỗ lực
    Vạn cổ thử giang san

    Trần Trọng Kim đã diễn Nôm:

    Chương Dương cướp giáo giặc
    Hàm Tử bắt quân thù
    Thái bình nên gắng sức
    Non nước ấy nghìn thu

    Cụ Trần Trọng Kim đã diễn nôm bài trên theo lối thơ cổ phong, không theo niêm luật của bài ngũ ngôn tứ tuyệt. Chính vì thế mà cụ chỉ nói là “diễn nôm” mà thôi. Thơ Đường Luật khó khăn là thế. Phải là tay lão luyện lắm mới có thể diễn tả ý của mình theo thơ Đường Luật được. Chính vì thế mà đa số các thi nhân sau này họ làm thơ thất ngôn hay ngũ ngôn nhưng lại làm theo thể Thơ Cổ Phong chứ không phải là Thơ Đường Luật.

  3. #3
    Diamond Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    May 2009
    Bài viết
    8.176
    Thanks
    301
    Thanked 3.169 Times in 588 Posts

    Default Ðề: Thi pháp thơ Đường - Khải Chính Phạm Kim Thư

    IV. Thơ Cổ Phong

    Như đã đề cập ở phần mở bài, thơ cổ phong (cổ thể) là thể thơ tương đối tự do, không cần niêm luật, gồm những câu thơ 7 chữ hay 5 chữ (thất ngôn cổ phong hay ngũ ngôn cổ phong). Thơ cổ phong xuất hiện vào đời Đông Hán (25-220), trước đời nhà Đường. Sau đây là những đặc điểm của thơ cổ phong:

    - Số chữ trong mỗi câu phải là 7 chữ hay 5 chữ (ngũ ngôn hay thất ngôn).
    - Không có niêm luật và đối chặt chẽ như thơ Đường.
    - Không hạn chế số câu, thường là từ 4 câu trở lên, muốn dài ngắn bao nhiêu cũng được.
    - Người ta thường làm Thơ Cổ Phong với số câu là 4 câu, 6 câu, 8 câu, hay 12 câu.
    - Những bài thất ngôn dài quá 8 câu được gọi là bài thất ngôn trường thiên và ngũ ngôn dài quá 16 câu gọi là ngũ ngôn trường thiên.
    - Tuy không cần niêm luật (bằng trắc), nhưng vẫn cần âm hưởng và tiết tấu. Cách gieo vần trong thơ cổ phong có thể độc vận hay liên vận. Có thể cứ 4 câu lại đổi vần hay cứ 8 câu đổi vần, hoặc mỗi 2 câu đổi vần một lần cũng được.
    - Cách đối thì tùy, muốn đối thì đối, muốn không thì không. Nếu đã đối thì phải đối cho chỉnh. Ý đối ý và chữ đối chữ cho đúng cách.

    Ta có thể định nghĩa Thơ Cổ Phong là lối thơ tự do làm theo 7 chữ hoặc 5 chữ. Thơ bát cú hay tứ tuyệt có thể là Đướng Luật hay Cổ Phong là tùy theo bài thơ đó có đúng niêm luật và đối hay không. Tuy nhiên, theo thói thường thì khi đọc một bài thơ bát cú hay tứ tuyệt, ngũ ngôn hay thất ngôn, người ta có thành kiến cho đó là thơ Đường Luật. Vì thế, nếu làm thơ theo lối Cổ Phong, ta nên đề ở đầu trang là Thơ Cổ Phong. Một cách khác nữa để tránh hiểu lầm, ta nên phân bài cổ phong có 8 câu (ngũ ngôn hay thất ngôn) ra làm hai đoạn, mỗi đoạn 4 câu. Sau đây là các bài cổ phong làm mẫu:

    Ngũ Ngôn Bát Cú Cổ Phong


    KHEN TRẦN BÌNH TRỌNG

    Giỏi thay Trần Bình Trọng
    Dòng dõi Lê Đại Hành
    Đánh giặc dư tài mạnh
    Thờ vua một tiết trung
    Bắc vương sống mà nhục
    Nam quỉ thác cũng vinh
    Cứng cỏi lòng trung nghĩa
    Ngàn thu tỏ đại danh

    Phan Kế Bính


    Thất Ngôn Tứ Tuyệt Cổ Phong

    Bài xướng của Hạng Võ

    Lực bạt sơn hề khí cái thế
    Thời bất lợi hề truy bất thệ
    Truy bất thệ hề khả nại hà
    Ngu hề Ngu hề nại nhược hà


    Ngũ Ngôn Tứ Tuyệt Cổ Phong

    Bài họa của Ngu Cơ

    Hán binh dĩ lược địa
    Tứ diện Sở ca thanh
    Đại vương ý chí tận
    Tiện thiếp hà liêu sinh

    Thất Ngôn Trường Thiên Cổ Phong

    TẾT THA HƯƠNG

    Hôm nay lạnh quá trời buông tuyết
    Ngồi ngắm không gian tính tháng ngày
    Chợt nhớ ra rằng năm đã hết
    Xứ người tết đến biết sao đây
    Tìm đâu cho được cành mai ấy
    Chồng bánh chưng xanh pháo đỏ hiên
    Đâu cảnh khói hương bay nghi ngút
    Cả nhà sum họp lễ gia tiên
    Nước non xa cách bao giờ hợp
    Những tết qua rồi tết khổ đau
    Giặc giã đua nhau gây đổ nát
    Quê hương tan tác bởi vì đâu
    Quê nhà tết đến dân đau khổ
    Đất khách xuân về dạ vấn vương
    Ở đây ai đón xuân cùng tết
    Tết đến trong lòng xuân nhớ thương
    Xa quê sống giữa người xa lạ
    Lạ cảnh lạ người lạ thói quen
    Muốn ngỏ tâm tư ai hiểu được
    Cười cười nói nói để mà quên

    Khải Chính Phạm Kim Thư

    Thất Ngôn Bát Cú Cổ Phong

    DẾ DUỔI BÊN ĐÈN

    Kiến chẳng phải kiến voi chẳng voi
    Trời sinh dế duổi cũng choi choi
    Ngắn cánh lên trời bay chẳng thấu
    Co tay vạch đất cũng khoe tài
    Mưa sa nước chảy lên cao ở
    Lửa đỏ dầu sôi nhảy tới chơi
    Quân tử có thương xin chớ phụ
    Lăm lăm bay nhảy để mà coi

    Tú Quì

    Ngũ Ngôn Trường Thiên Cổ Phong

    ÔNG ĐỒ GIÀ

    Mỗi năm hoa đào nở
    Lại thấy ông đồ già
    Bày mực tàu giấy đỏ
    Bên phố đông người qua.
    Bao nhiêu người thuê viết
    Tấm tắc ngợi khen tài
    Hoa tay thảo những nét
    Như phượng múa rồng bay
    Nhưng mỗi năm mỗi vắng
    Người thuê viết nay đâu
    Giấy đỏ buồn không thắm
    Mực đọng trong nghiên sầu
    Ông đồ vẫn ngồi đấy
    Qua đường không ai hay
    Lá vàng rơi trên giấy
    Ngoài trời mưa bụi bay
    Năm nay đào lại nở
    Không thấy ông đồ xưa
    Những người muôn năm cũ
    Hồn ở đâu bây giờ

    Vũ Đình Liên

    V. Kết Luận

    Các bạn yêu thơ hãy cứ làm thơ một cách tự nhiên trước, miễn sao diễn tả được ý của mình và có âm điệu là được. Có Đường Luật thì cũng có Cổ Phong, có lục bát thì cũng có biến thể lục bát. Rồi dần dần quen đi, ta sẽ làm thơ một cách dễ dàng, xuất khẩu thành thơ, và tự nhiên thành luật. Đừng vì niêm luật hay đối quá mà làm bài thơ gượng gạo mất hồn thơ của các bạn đi. Muốn làm thơ một cách tự nhiên và cảm động được lòng người, ta cần phải có tâm hồn thơ và yêu thơ. Kế tiếp ta phải tìm đọc những tác phẩm trứ danh trong văn chương như Truyện Kiều của Nguyễn Du, thơ Bà Huyện Thanh Quan, thơ Hồ Xuân Hương, thơ Hồ Dzếnh, thơ Xuân Diệu, thơ TTKH, thơ Nguyễn Bính, thơ Vũ Hoàng Chương, thơ Bàng Bá Lân, thơ Chu Mạnh Trinh, thơ Tản Đà, thơ Nguyễn Công Trứ, thơ Nguyễn Khuyến, thơ Thế Lữ, và ca dao, v.v. Không những đọc mà ta còn phải học thuộc lòng để đưa vào tiềm thức những cung điệu, những tứ thơ kỳ diệu, và những chất liệu giúp ta làm thơ một cách tự nhiên hơn. Khi có hồn thơ lai láng, hãy cứ viết ra cho hết ý, rồi đọc lại để kiểm soát niêm luật sau. Cứ như thế ta sẽ đi vào thơ một cách tự nhiên.

    Khải Chính Phạm Kim Thư

    --------------
    Tài Liệu Tham Khảo

    1. Dương Quảng Hàm, Việt Nam Văn Học Sử Yếu, Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục, ấn bản lần thứ mười, 1968.
    2. Trình Xuyên Nguyễn Ngô Riễn, Hoa Bút Trình Xuyên (Tuyển tập 2 1981-1990), Papyrus, San José, CA, USA, 1994
    3. Trần Trọng Kim,Việt Nam Sử Lược, Quyển I,Trung Tâm Học Liệu, Bộ Giáo Dục,Saigon, 1971.
    4. Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu, Tản Đà Vận Văn, Tập II, Sống Mới tái bản.
    5. Trần Trọng San, Thi Pháp Thơ Chữ Hán, Bắc Đẩu, Scarborough, Ont.,
    Canada, 1998.

  4. #4
    Gold Member PhotobucketPhotobucketPhotobucketPhotobucket huongnhu's Avatar
    Ngày gia nhập
    Aug 2009
    Bài viết
    1.089
    Thanks
    1.189
    Thanked 1.694 Times in 317 Posts

    Default Ðề: Thi pháp thơ Đường - Khải Chính Phạm Kim Thư

    Trích dẫn Trích dẫn của phale Xem bài viết
    Thi pháp thơ Đường


    d. Điều Kiện Để Sáng Tác Thơ Cho Hay

    Thực tế cho ta biết là việc sáng tác thơ cốt ở cảm xúc và nhạc tính. Chứng cớ là những câu ca dao của ta được phát xuất ra từ những người bình dân trong dân gian mà cảm xúc, ý nghĩa, và nhạc tính của những câu ca dao này thật tuyệt vời. Tuy nhiên, nếu xét về các thi phẩm của những thi nhân nổi tiếng ở Việt Nam trước đây, ở Trung Quốc, và ở các nước Âu Châu, chúng ta sẽ thấy muốn sáng tác thơ cho tuyệt hảo thì cần phải có hai điều kiện: thiên tài và học lực. Hai điều kiện này phải đi đôi với nhau thì việc sáng tác thơ mới đạt tới kết quả mỹ mãn. Lý do chính là nếu không có thiên tài về thơ thì chúng ta không có khả năng tinh tế để mở cửa kho kiến văn và vốn học lực. Có thiên tài về thơ mà không có học lực thì chúng ta không có chất liệu để sử dụng thiên tài về thơ cho đến chỗ tuyệt hảo. Chính vì thế mà tác phẩm Truyện Kiều của Nguyên Du mới trở thành tác phẩm tuyệt trần vô tiền khoáng hậu trong văn học Việt Nam vì Nguyễn Du là nhà thơ vừa có thiên tài về thơ lại vừa có học lực.
    Truyện Kiều là lục bát ạ?

  5. #5
    Silver Member PhotobucketPhotobucketPhotobucket
    Ngày gia nhập
    Feb 2010
    Bài viết
    499
    Thanks
    1.405
    Thanked 1.118 Times in 288 Posts

    Default Ðề: Thi pháp thơ Đường - Khải Chính Phạm Kim Thư

    Đối Ngẫu trong Thơ Đường luật, (Thi pháp thơ Đường- Quách Tấn)

    Ở VN cũng như ở Trung Hoa , đối ngẫu đã có trước khi Đường nhân đặt ra quy tắc và Hàn Thuyên du nhập quy tắc ấy vào VN.
    Những câu phương ngôn, tục ngữ phần nhiều là những ngẫu cú, ngắn từ 2 chữ dài đến 7-8 chữ:
    - Ao cá, Lửa thành
    - Khôn nhà, dại chợ
    -Liệu cơm, gắp mắm ....

    -Đi đến nơi, về đến chốn
    -Ăn coi nồi, ngồi coi hướng...

    -Ăn trầu đỏ môi, ăn xôi ngọng miệng
    -Canh một chưa nằm , canh năm đã dậy...

    - Có ăn có chọi mới gọi là trâu,không trước không sau ai cầu chi xẻ...

    Chúng ta gặp Đối ngẫu chẳng những trong tục ngữ phương ngôn, mà chính trong ca dao chúng ta cũng thường gặp :

    - Lươn ngắn lại chê chạch dài
    Thờn bơn méo miệng chê trai lệch mồm

    -Khuyên chàng đọc sách ngâm thơ
    Dầu hao thiếp rót đèn mờ thiếp khêu...


    Từ nghìn xưa, Đối ngẫu đã có trong ngôn ngữ.Nhưng khách làng thơ Việt Nam không rút ra làm thành nguyên tắc để áp dụng vào văn chương. Sau khi Hàn Thuyên dùng luật thơ Đường làm thơ Nôm thì phép đối ngẫu mới thịnh hành trong nước.

    Trong làng thơ Quốc âm, thịnh hành nhất là phép Chỉnh đối cũng gọi là Thiết đối.

    Theo phép nầy, cổ nhân còn để lại rất nhiều giai tác như thơ Phạm Thái, Tương An, Hồ Xuân Hương,bà Huyện Thanh Quan...

    Phép TÁ ĐỐI :

    Phan Sào Nam tiên sinh có một bài dùng Tá Đối rất tài tình :

    Vàng khè trắng toát khác đôi bên
    Mặc kệ người chê mặc kẻ khen
    Non nước lỡ làng màu lịch sự
    Gió trăng chờn chợ mối nhân duyên
    Chẳng long lay đến lòng son sắt
    hổ ngươi vì miếng bạc đen
    Ba bữa xong rồi ai ấy bạn
    Một pho kinh Phật một cây đèn


    Lẻ tẻ từng cặp một ,trong làng thơ còn truyền nhiều câu đáng yêu:

    - Thi năm bảy khóa mà không đỗ
    Dịch mấy mươi phen vẫn hãy còn


    -Một thớt cùm lim ngồi thế đế
    Hai vòng xích sắt bước thời vương

    - Rượu thấm hơi bầu khôn cũng dại
    Cờ lâm nước dưới quên trên

    Chợ đối với Làng, Long đối với Hổ... đều mượn tiếng mà đối.Cả hai tiếng đối nhau đều " tiến bóng"
    Thi và Dịch cả hai tiếng vừa thiệt vừa bóng : thi là thi cử, Dịch là dịch lệ(nghĩa thiệt) ,lại còn mượn đến hai bộ sách Kinh Dịch và kinh Thi để chọi nhau ( đối bóng ). Còn bầu và bí , đế và vương, một bên thiệt ( bầu là bầu rượu, đế là ghế ngồi),một bên bóng ( bí là bị kẹt,là bí nước, vương là vướng vấp, mượn làm trái bí làm tước vương )

    Kể cũng lý thú,song thuộc hàng tiểu xảo,hàng hạ thừa, thỉnh thoảng dùng chơi thì được chớ lạm dụng thì không nên. Mà nên dùng phép LƯU THỦY ĐỐI ,phép nầy nếu thiện dụng thì lời thơ trôi chảy,nhẹ nhàng như nước đầu nguồn tuôn vào lòng suối.
    Ví như bài :

    ĐI THI TỰ VỊNH

    Đi không chẳng lẽ lại về không
    Gánh nợ cầm thư phải trả xong
    Rắp mượn điền viên vui tuế nguyệt
    Trót đem thân thế hẹn tang bồng
    Đã mang tiếng ở trong trời đất
    Phải có danh gì với núi sông
    Trong cuộc trần ai ai dễ biết
    Rồi ra mới tỏ mặt anh hùng

    Nguyễn Công Trứ


    Cảm Tác

    Tủi biết bao nhiêu hổ biết bao
    Anh em ta phải tính làm sao
    Thà không trời đất không chi cả
    Còn có non sông có lẽ nào
    Hãy xúm đôi tay chèo chống lại
    Để cho muôn mắt ngóng trông vào
    Dòng thần con cháu hăm lăm triệu
    Cũng mái đầu đen giọt máu đào

    Phan Bội Châu



    Phép TIỂU ĐỐI tức Cú Trung Đối và ĐƯƠNG ĐỐI tức Tựu Cú Đối, làng thơ Quốc âm cũng thường dùng

    Cướp của đánh người quân tệ nhỉ
    Xương gà da cóc có đau không
    Nguyễn Khuyến


    Sớm đợi hôm chờ mòn mõi mắt
    Năm lừa mười lọc nhọc nhằn công
    Khuyết Danh


    Cướp của- đánh người : đối với nhau
    Xương gà, da cóc : đối với nhau
    Năm lừa, mười loc : đối với nhau

    Làm anh chị phải thương em út
    Cho dưới trên thường được ấm êm
    Khuyết Danh

    Nếu quả trời xanh ghen má phấn
    Đừng mong cưới vợ để sinh con
    Khuyết Danh


    Làm anh chị đối với Thương em út
    Cho dưới trên đối với Được ấm êm

    Quả trời xanh đối với Ghen má phấn
    Mong cưới vợ đối với Để sinh con

    Hai câu TIỂU ĐỐI đối với nhau thành một cặo ĐƯƠNG ĐỐI.
    Hai bên chỉ khác nhau ở điểm là Tiêủ đối có đối trong từng câu một .ĐƯƠNG ĐỐI trong từng câu một không có chữ đối nhau.
    Nhìn chung cả liên thì Đương đối cũng như Tiểu đối, một câu dùng một nhóm chữ trong tự loại nầy để đối với một nhóm chữ trong tự loại khác:

    Bèo mây xuôi ngược nhiều sương nắng
    Thương nhớ ngày đêm lẫn tủi hờn
    Khuyết Danh


    Đương Đối cũng gọi là Điệu Đối.
    Cố thi sĩ Hư Chu có một cặp Điệu đối rất tài tình :
    Rừng lại suối rồi khe lại suối
    Đây là đâu nữa đó là đâu

    Hai câu nầy cũng như những câu Đương Đối trên, nếu tách riêng từng chữ, từng nhóm chữ thì không thể đối nhau được vì tự loại bất đồng.Nhưng về cú điệu thì thật cân xứng từng nhịp.

    Và Vũ Hoàng Chương có câu :
    Kinh Phật chữ Không là chữ Sắc
    Kệ người ai tiến với ai lui


    Gồm 4 phép đối:
    -Ảnh đối : Kệ đối với kinh
    -Chỉnh đối : Người đối với Phật
    - Tiểu đối :Vế trên Chữ Sắc đối với Chữ Không; vế dưới Ai lui đối với Ai tới
    - Đương đối : Ai tiến với ai lui đối với Chữ Khong là Chữ Sắc

    Thật là ngọn bút tài tử.

    (Sưu tầm)

    __________________
    Last edited by Đông Quân; 25-03-2010 at 11:00 PM.

Posting Permissions

  • Bạn không thể tạo chủ đề mới
  • Bạn không thể trả lời
  • Bạn không thể dùng tập tin đính kèm
  • Bạn không thể hiệu chỉnh bài
  •