PDA

View Full Version : Hiểm họa từ hàng Tàu?



thuphong
30-07-2011, 11:44 PM
.
Thật không "nói điêu" chút nào khi khẳng định rằng, những kẻ bất lương người Trung Quốc đã làm giàu bằng "xương máu" của thế giới. Ở cái thời mà sự chia sẻ mang tính ý thức trách nhiệm đã trở thành yếu tố cơ bản của thế giới toàn cầu thì họ vẫn bất chấp, thản nhiên gạt bỏ và chà đạp mọi giá trị tử tế trên con đường phát triển của họ.

Quyển “Death by China: Confronting the Dragon – A Global Call to Action của Peter Navarro” (Giáo sư Kinh thương Đại học California-Irvine) và Greg Autry thuộc Trường Kinh thương Paul Merage (Giảng viên Đại học California-Irvine) do Nhà Xuất bản Pearson phát hành tháng 5/2011 đã cho thấy rõ hơn bức tranh phát triển phi nhân tính của Trung Quốc. Dưới đây là phần lược thuật(*)…

http://library.petrotimes.vn/petrotimes_cdn/wp-content/uploads/2011/07/2kim50511-477x356.jpg

Đến cả trứng cũng có "trứng đểu"

Đầu độc thế giới?

Trung Quốc hiện sản xuất 70% penicillin trên thế giới, 50% aspirin và 33% tylenol. Các hãng dược Trung Quốc cũng thống trị thị trường thế giới về thuốc kháng sinh, enzyme, amino acid gốc và vitamin (chiếm 90% thị trường thế giới về vitamin C và gần như thống trị thị trường toàn cầu về vitamin A, B12 và E). Chẳng có gì đáng càm ràm nếu những viên thuốc Trung Quốc chẳng phải là thuốc độc. Chúng không chỉ gây ra vài ca tử vong đơn lẻ mà còn thực hiện những cuộc tàn sát hàng loạt.

Lấy ví dụ heparin – chất chống đông dùng trong nhiều trường hợp y học, từ phẫu thuật tim mạch, truyền máu, liệu pháp tĩnh mạch đến thẩm tách thận. Không như loại heparin bình thường được làm từ màng nhầy ruột lợn, chất chống đông sản xuất theo “kiểu Tàu” là một thứ chất quái đản có cấu trúc hóa học tương tự heparin đến mức nó gần như không thể bị phát hiện. Vấn đề ở chỗ, loại hóa chất chế tạo heparin dỏm có giá rẻ hơn heparin thật đến 100 lần – 9USD/pound (453gr) so với 900USD!

Và như đã biết, chẳng có gì tai hại hơn là dùng dược phẩm dỏm. Không chỉ làm tụt huyết áp, gây khó thở, nôn mửa và tiêu chảy cấp, heparin dỏm còn khiến chết người. Leroy Hubley tại Toledo (Ohio) hiểu rõ điều này hơn cả. Sau khi mất người vợ bởi dùng heparin dỏm, chỉ một tháng sau Leroy mất tiếp đứa con trai, cũng từ thủ phạm heparin. Đến nay, “heparin Made in China” đã giết hàng trăm người Mỹ và làm hàng ngàn người khác nhập viện. Heparin dỏm còn được thấy tung hoàng tại 11 nước, từ Nhật, Ấn Độ, Đức đến Canada. Thuốc dỏm Trung Quốc không chỉ giết người trên thế giới mà còn giết cả người nước họ. Điều đó cho thấy những nguyên tắc cơ bản của đạo Khổng đã phải nhường chỗ cho cơn mải mê điên loạn làm giàu.

Một trong những ví dụ nữa là trường hợp những lọ sirô giết người xuyên quốc gia. Bản tin của Cơ quan Quản lý Thực – Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) đăng trên website ngày 4/5/2007 đã khuyến cáo các nhà sản xuất dược phẩm, nhà cung cấp, nhà đóng gói, chuyên gia y tế… phải kiểm tra và chắc chắn rằng, glycerin (chất làm ngọt phổ biến dùng trong sản phẩm dược) không có thành phần diethylene glycol (DEG) – loại hóa chất kịch độc dùng trong công nghiệp chống đông lạnh và dung môi.

Trước khi xuất hiện bản tin FDA, Tân Hoa Xã cho biết 100 người đã chết do dùng sirô trị ho chứa DEG tại Panama… Đầu tiên là thận bị hỏng; kế đến là hệ thần kinh trung ương bị đánh gục. Toàn thân nạn nhân bị tê liệt, khiến khó thở và cuối cùng là tử vong. Hầu hết nạn nhân là trẻ em và đều chết do dùng một loại sirô trị ho. Từ năm 1990 đến 1998, nhiều trường hợp tương tự liên quan đến DEG cũng hiện diện tại Argentina, Bangladesh, India và Nigeria với hàng trăm cái chết.

Trong nhiều năm, DEG không chỉ được dùng sản xuất thuốc ho mà còn có mặt trong thuốc hạ sốt và thậm chí các loại thuốc dùng để chích! Tuy nhiên, tỉ lệ tử vong cao nhất vẫn xuất phát từ sirô ho, với hàng ngàn ca tử vong khắp thế giới trong hai thập niên qua. Nguồn gốc thứ thuốc giết người này, tất nhiên, có dấu vết từ Trung Quốc. Tại Bangladesh, các nhà điều tra đã tìm thấy DEG trong 7 nhãn dược phẩm vào năm 1992 và điều này chỉ được thực hiện khi có khoảng 200 trẻ em tử vong!

Khi ít nhất 88 trẻ em chết tại Haiti cách đây một thập niên, điều tra viên FDA đã mò ra được vết tích DEG tại thành phố Đại Liên (Liêu Ninh, Trung Quốc) nhưng họ không thể đến tận nơi để “sờ tận tay, day tận mặt” được do bị nhà chức trách cản trở. Giấy phép đến Đại Liên được cấp hơn một năm sau nhưng lúc đó nhà máy sản xuất sirô ho giết người đã được dọn đi và toàn bộ hồ sơ liên quan bị hủy sạch. Theo điều tra của “New York Times”, chính công ty dính vào vụ “đánh thuốc” gây tử vong tại Haiti cũng là nơi từng chuyển khoảng 50 tấn glycerin dỏm đến Mỹ vào năm 1995 và sau đó được bán lại một phần cho Công ty Mỹ Avatar trước khi vụ việc bị phát hiện. Luật kiểm soát dược phẩm Trung Quốc trong tình trạng vá víu, theo lời một nhà buôn giao dịch với CNSC Fortune Way (công ty trung gian tại Bắc Kinh, nơi thiết lập “cầu hải vận” cho những lọ sirô giết người cập vào cảng Panama), đã khiến một tên có trình độ lớp chín như Vương Quý Bình 41 tuổi trở thành tay tổ trong làng kinh doanh dược phẩm giết người!

Vốn là thợ may thu nhập ba đồng ba cọc, Quý Bình nhận ra hắn có thể kiếm thêm bằng nghề “tay trái” khi cung cấp sirô giá bèo cho các hãng dược. Để qua mặt người mua, Quý Bình – dù chẳng có chút kiến thức hóa học – đã làm dỏm giấy phép và biên bản phân tích phòng thí nghiệm. Một trong những công ty đầu tiên dùng loại sirô này là hãng dược Tề Tề Cáp Nhĩ 2 (Qiqihar No. 2 Pharmaceutical) tại Hắc Long Giang. Người mua cho Hãng Tề Tề Cáp Nhĩ 2 đã móc nối Quý Bình khi xem mẩu quảng cáo của đương sự trên một website.

Theo giới điều tra Trung Quốc, khi các thương vụ có vẻ ngon ăn, Quý Bình bắt đầu tìm chất thay thế sirô với giá thậm chí bèo hơn. Thế là một quyển hóa học phổ thông đã cho hắn câu trả lời: loại sirô không mùi – DEG, được bán với giá 6.000 – 7.000 tệ/tấn (tức khoảng 725 – 845USD) trong khi sirô chuẩn công nghiệp dược có giá 15.000 tệ (1.815USD). Sau khi mua “sirô DEG” từ mạng cung cấp Quý Bình, Tề Tề Cáp Nhĩ 2 dùng sản xuất năm loại sản phẩm: thuốc tiêm amillarisin A cho bệnh bàng quang; thuốc thụt cho trẻ em; thuốc tiêm cho các bệnh liên quan mạch máu; thuốc giảm đau tĩnh mạch; và thuốc thấp khớp. Tháng 4/2006, một trong những bệnh viện hàng đầu khu vực nam Trung Quốc (tại Quảng Châu) bắt đầu cho phép dùng amillarisin A. Chỉ chừng một tháng, ít nhất 18 người đã chết sau khi dùng thuốc.

Cùng lúc, cách đó khoảng 14.400km tại Panama, mùa mưa vừa bắt đầu. Đối mặt với dịch cảm ho, chương trình chăm sóc y tế sức khỏe quốc gia đã mua sirô ho. Đó là loại thuốc không ngọt để người tiểu đường có thể dùng. 46 thùng thuốc (dung dịch màu vàng, gần như trong suốt) bắt đầu cập cảng Panama từ Barcelona (Tây Ban Nha) và được dỡ xuống từ tàu Tobias Maersk. Vận đơn cho thấy thuốc được bào chế từ “glycerin với 99,5% tinh chất”. Vài tháng sau, với loạt ca tử vong, người ta mới phát hiện mức độ “tinh chất” glycerin cỡ nào và toàn bộ giấy tờ chứng nhận đã được làm dỏm tinh vi ra sao! Đầu tháng 9/2006, bác sĩ tại Bệnh viện công Panama City bắt đầu chú ý nhiều triệu chứng bất thường. Thoạt đầu, bệnh nhân có vẻ bị hội chứng Guillain-Barré (hiện tượng rối loạn thần kinh tương đối hiếm, thể hiện ở cảm giác ngứa hoặc yếu quị ở chân; cảm giác yếu quị sau đó lan lên tay, ngực; có khi làm tê liệt toàn thân và gây khó thở). Với các bệnh nhân lần này, cảm giác yếu quị không lan lên thân trên nhưng họ nhanh chóng bị mất khả năng tiểu tiện (hiện tượng không có ở hội chứng Guillain-Barré). Hoảng hốt, bác sĩ Panama City liên hệ với chuyên gia bệnh truyền nhiễm Néstor Sosa. Với tỉ lệ tử vong 50% bởi căn bệnh bí hiểm, Tiến sĩ Sosa lập tức thiết lập “phòng tác chiến 24/24” tại bệnh viện, nơi các ghi chú được so sánh và từng chi tiết nhỏ của từng bệnh nhân được cập nhật. Không khí hỗn loạn lan nhanh, khi người ta lo ngại một trận dịch truyền nhiễm có thể giết chết hàng loạt. Ghi nhận ban đầu cho thấy nạn nhân thường là các cụ trên 60 tuổi, bị tiểu đường và huyết áp cao. Khoảng 1/2 trong số đó được cho uống Lisinopril (thuốc huyết áp) nhưng việc chẩn đoán dường như có gì đó nhầm lẫn và phương pháp trị liệu chưa đánh trúng bệnh. Thế rồi có một bệnh nhân dùng Lisinopril bị ho nên ông ấy đồng thời được cho uống sirô. Nạn nhân đã chết sau đó không lâu. Thanh tra thuộc Trung tâm Phòng chống bệnh tật Hoa Kỳ lúc đó có mặt tại Panama hỗ trợ tiến trình điều tra đã lập tức đưa những lọ thuốc ho lên chuyên cơ chính phủ để được kiểm tra tại Mỹ. Hôm sau, ngày 11/10/2006, kết quả được gửi sang: Sirô có chứa DEG!

Những “thương hiệu đặc sản” Trung Quốc

Địa chỉ gốc những lọ thuốc ho giết người có thể được tìm thấy tại website Hãng dược Taixing Glycerine Factory (Thái Hưng cam du xưởng): www.chinachemnet.com/chinataixin (trang web này thời điểm hiện tại, tháng 7/2011, vẫn còn!). Bức ảnh đăng trên website cho thấy một cơ sở “hoành tráng” và bề thế nhưng phóng viên “New York Times” đã đến tận nơi và cho biết chẳng có cao ốc nào tại Hoành Hướng, một thị trấn nhỏ chỉ có một con lộ lớn! Trong thực tế, Xưởng dược Thái Hưng (nằm trong một căn nhà gạch được bao quanh bởi vài cửa hàng tạp hóa lèo xèo) đã mua DEG từ nhân vật Quý Bình nói ở trên! Chính tại đây, 46 thùng sirô đã chu du hết cảng này đến cảng kia trước khi có mặt tại Panama.

Chỉ trong năm 2009, có đến 58% hàng hóa Trung Quốc bị giới chức trách châu Âu cáo buộc vi phạm quy định an toàn, so với 2% từ Mỹ. Cần biết, hàng xuất khẩu Trung Quốc nhập vào châu Âu nhiều hơn Mỹ (18% so với 13%). Điều này cho thấy tỉ lệ vi phạm an toàn hàng hóa Trung Quốc hơn Mỹ đến 22 lần!

Nhà phân phối đầu tiên là Công ty Mậu dịch CNSC Fortune Way, nơi dịch sang tiếng Anh biên bản chứng thực “glycerin với 99,5% tinh chất” của Thái Hưng (theo nguyên tắc, biên bản chứng thực gốc phải được trao cho mỗi người mua mới nhưng điều này đã không xảy ra); rồi chuyển kiện hàng cho Công ty mậu dịch thứ hai tại Barcelona. Khi nhận hàng (9/2003), Công ty Tây Ban Nha Rasfer International cũng chẳng kiểm tra thành phần dược những lọ thuốc ho và chỉ sao chụp lại biên bản chứng thực được cung cấp từ CNSC. Vài tuần sau, Rasfer chuyển hàng cho Công ty mậu dịch thứ ba Medicom Business Group (Panama).

Khi đến Panama, lô hàng sirô nằm trong kho hơn hai năm và Medicom đã “chỉnh” lại thời hạn sử dụng (và tất nhiên chẳng buồn xét nghiệm)! Cuối cùng, khi đến thời điểm, Medicom bán lại cho Chính phủ Panama để sirô đi vào hệ tuần hoàn của những nạn nhân như Ernesto Osorio, một giáo viên trung học, người từng bị tê cứng nửa mặt “trông như một miếng thịt”. Đầu năm 2006, nhà chức trách Trung Quốc bắt đầu lùng Quý Bình. Họ tìm thấy đương sự tại một giao lộ ở Đài Châu, thành phố cách Thái Hưng về phía bắc. Bỏ trốn, trông rũ rượi và bệnh hoạn, hắn cho biết mình đã không ăn hai ngày. Được đưa đến bệnh viện và đối mặt loạt chất vấn từ viên chức điều tra, hắn đã khai tuốt tuồn tuột. Tiền kiếm được, hắn chẳng giúp gì gia đình mà nướng sạch vào chiếu bạc. Tuy nhiên, toàn bộ câu chuyện đã không có một cái kết có hậu.

Cơ quan Quản lý Thực – Dược phẩm Trung Quốc nói rằng, họ không có tư cách pháp lý trong vụ Thái Hưng bởi công ty này chưa từng xin giấy phép sản xuất dược phẩm và do đó không phải là hãng dược nên không thể kết tội liên quan vấn đề y tế và sức khỏe!

Không chỉ dược phẩm, mà thực phẩm Trung Quốc cũng gây ra những cơn rung động toàn cầu. Thử nhớ lại vụ một nhà nhập khẩu thực phẩm Nhật Bản nhập hơn 50.000 bao đậu xanh “tươi” từ Công ty Yantai Beihai Foodstuff Co. (Yên Đài Bắc Hải thực phẩm hữu hạn công ty; thuộc tỉnh Sơn Đông). Sau khi xảy ra loạt ca người tiêu dùng bị nôn mửa và miệng mồm thậm chí tê cứng(!), giới chức y tế Nhật mới điều tra và tá hỏa với kết luận rằng, nồng độ thuốc trừ sâu trong đậu xanh Yên Đài Bắc Hải cao gần gấp 35.000 lần mức cho phép!… Nói đến thực phẩm Trung Quốc là đề cập đến một tuyển tập trường kỳ không có điểm kết.

Về ngư phẩm, Trung Quốc đứng đầu thế giới về cá nhiễm bẩn. Con đường phiêu lưu của ngư phẩm Trung Quốc bắt đầu từ mé thượng nguồn Dương Tử rồi chạy qua hơn 4.800km xuống lưu vực phía đông, nơi chúng được đóng gói trước khi lên đường thâm nhập vào bao tử thế giới và tạo ra những cuộc giết chóc rùng rợn. Cần biết, dọc dòng Dương Tử là những thành phố đang bùng nổ phát triển như Thành Đô và Trùng Khánh, nơi ngập ngụa hàng trăm triệu tấn chất thải công nghiệp trộn lẫn phân người cùng nhiều loại phân động vật khác. Cái mớ hổ lốn tạp nham bẩn thỉu này lại được tích tụ và được “bồi đắp” ở cái hồ chứa khổng lồ sau Đập Tam Môn Hợp bên dưới Trùng Khánh.

Với môi trường sông nước “tự nhiên” như thế, cá tôm sinh sống được trong đó hẳn có thể được xem là chuyện “thần kỳ”. Cơ thể chúng chứa những chất gì chắc ai cũng có thể hình dung, và càng có thể hình dung rõ mồn một, khi những con cá đó gây ảnh hưởng cho con người như thế nào nếu chúng lọt qua miệng chúng ta…
http://library.petrotimes.vn/petrotimes_cdn/wp-content/uploads/2011/07/3kim50511-477x336.jpg

"Gạo nhựa" - "đặc sản" có một không hai từ Trung Quốc


Trung Quốc còn có nhiều loại thức ăn “độc đáo” khác. “Gạo nhựa” chẳng hạn (được nghiền từ khoai lang và khoai tây rồi được trộn nhựa để tạo dẻo). Ăn ba bát cơm nấu từ gạo này chẳng khác gì nuốt trọng nguyên một bịch nylon vào ruột(!) – theo lời một viên chức thuộc Hiệp hội Nhà hàng Trung Quốc. Liên quan gạo, còn có “giai thoại” có thật về loại gạo thơm Ngũ Thường (Wuchang rice). Được “nhân rộng” ở Cam Túc, Hà Nam, Thanh Hải, Sơn Tây, Tứ Xuyên…, phong trào sản xuất gạo thơm dỏm bùng nổ bằng việc cho chất tạo hương vào để gạo có mùi thơm như gạo đặc sản Ngũ Thường. Mà có tốn kém gì bao nhiêu: chỉ cần cho 1,2kg chất tạo hương, một nhà sản xuất đã có thể “làm mùi” cho 10 tấn gạo! Trong thực tế, gạo Ngũ Thường ở đâu mà lắm thế, bởi địa phương này (thuộc Hắc Long Giang) mỗi năm chỉ có thể sản xuất 800.000 tấn gạo, chứ có đâu mà đến hơn 10 triệu tấn như được rao bán ngoài thị trường khắp nước Trung Quốc!

(*) Bài có sử dụng thêm một số nguồn tài liệu khác liên quan

ST: http://nbhaininh.vnweblogs.com/post/22879/313624